|
Hiện có tất cả 39 dự án nạo vét luồng hàng hải, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp tận thu sản phẩm.
Bộ GTVT đang tiến hành rà soát lại từng dự án nạo vét luồng hàng hải, để xem xét chấn chỉnh toàn bộ các dự án này về thủ tục, tiến độ triển khai, phù hợp với quy hoạch và chuẩn tắc luồng đã công bố, vị trí và khối lượng nạo vét.
Rà soát lại toàn bộ các dự án
Theo Cục Hàng hải VN, hiện có tất cả 39 dự án nạo vét luồng hàng hải và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp tận thu sản phẩm, không dùng ngân sách Nhà nước. Trong đó có 7 dự án đang triển khai, 19 dự án đang phê duyệt hồ sơ, 13 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư.
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết, các dự án này có đặc điểm vừa thi công vừa khai thác. Sản phẩm nạo vét đến đâu tận dụng đến đấy, thường là cát mặn được xuất khẩu. Cục Hàng hải VN đã và đang tiến hành rà soát lại các dự án. Từ khi có Thông tư 25, các dự án đều tuân thủ theo các quy định.
"Nếu không hấp dẫn, không thể kêu gọi XHH được, song dự án phải được tính toán chặt chẽ để hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư. Tuy Nhà nước không thanh toán tiền mặt cho nhà thầu thi công, song trả bằng sản phẩm tận thu là tài nguyên quốc gia, do đó phải tính toán sử dụng hiệu quả”.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công |
“Đáng ngại nhất là đa số dự án chậm, kéo dài tiến độ, nhiều dự án chưa đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc chưa có ý kiến của địa phương, mặc dù điều này đã được yêu cầu trong quy định thủ tục. Một vấn đề nữa cũng cần xem xét lại là thời gian triển khai dự án quá dài so với thời gian nạo vét bảo trì luồng thông thường, đặc biệt những dự án được ký kết thời gian trước khi có Thông tư 25. Cục Hàng hải VN đã và đang rà soát, chấn chỉnh lại để báo cáo Bộ GTVT”, ông Sang nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho rằng, số dự án triển khai chưa nhiều, cần rà soát chấn chỉnh ngay từ đầu cả công tác quản lý Nhà nước và thực tế triển khai thi công của nhà thầu để đạt hiệu quả cao nhất. “Bộ GTVT yêu cầu, đối với các dự án xã hội hóa (XHH) nạo vét luồng hàng hải, cần kiểm soát chặt ở cả ba nội dung: Thủ tục đầu tư phải đầy đủ, trong đó đặc biệt thủ tục về môi trường, ý kiến chấp thuận của địa phương yêu cầu phải có đủ mới cho triển khai; Dự án phải nằm trong quy hoạch tuyến luồng hàng hải và phải tuân thủ chuẩn tắc luồng công bố; Khối lượng và thời gian của dự án phải được tính toán phù hợp với tính chất của dự án bảo trì duy tu luồng hàng hải”, Thứ trưởng Công nói và cho rằng, với các dự án XHH nạo vét luồng hàng hải, việc đảm bảo độ sâu luồng cho duy trì chạy tàu là rất quan trọng, do đó những dự án cố tình kéo dài thời gian, chậm khởi công, Bộ GTVT chỉ đạo xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng. Trước mắt, trong thời gian rà soát này chưa ký kết các hợp đồng mới.
Sử dụng tài nguyên hiệu quả
Bộ GTVT cho biết đang là cơ quan quản lý Nhà nước của 42 tuyến luồng hàng hải và các khu chuyển tải trong vùng nước cảng biển. Hàng năm, Nhà nước có trách nhiệm nạo vét, duy tu theo chuẩn tắc thiết kế để bảo đảm giao thông. Tuy nhiên, ngân sách rất khó để bố trí thực hiện đầy đủ và đúng chuẩn tắc thiết kế. Năm 2015, ngân sách đã chi 661 tỷ đồng cũng chỉ đảm bảo nạo vét, duy tu 11 tuyến luồng hàng hải quan trọng nhất. Vì vậy, việc XHH nạo vét, duy tu luồng kết hợp tận thu sản phẩm trên các tuyến luồng đường thủy là rất cấp thiết.
Các dự án nạo vét luồng hàng hải tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách Nhà nước được triển khai trên diện rộng từ hai năm nay với sự ra đời của Thông tư 25 năm 2013, sau đó là Thông tư 28 năm 2015 của Bộ GTVT. Các thông tư quy định thủ tục đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt chuẩn tắc thiết kế luồng trong thời gian nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục để triển khai, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công dự án. Sản phẩm tận thu từ các dự án nạo vét luồng hàng hải đã được sử dụng trong nước hoặc xuất khẩu, vừa tạo thuận lợi cho DN, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm, vai trò của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện dự án XHH nạo vét tận thu sản phẩm, từ khi đăng ký thực hiện dự án đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo bình đẳng cho các DN tham gia dự án.
Theo báo Giao thông.
|