Tham dự buổi làm việc có các đơn vị quản lý chuyên ngành, gồm: Viện Y tế Công cộng TP.HCM, Công ty TNHH Giám định Vinacontrol TP.HCM, cơ quan Thú y vùng 6, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3; Các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi…gồm: Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất TCS, Công ty SCSC, Công ty TECS; và Hải quan TP.HCM.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, thực hiện Nghị Quyết 19 của Chính phủ về giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (Đề án) và ngày 17-11-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2026 phê duyệt Đề án này. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất tại thời điểm hiện nay để thực hiện Đề án.
Sau khi triển khai tại cảng Hải Phòng, ngành Hải quan sẽ triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại TP.HCM sau đó sẽ mở rộng ra 5 cục Hải quan địa phương khác. Đối với TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM đã lựa chọn triển khai tại 2 đơn vị: trước mắt triển khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, sau đó sẽ triển khai tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Với mục tiêu triển khai tại TP.HCM là triển khai nhanh, đáp ứng đúng yêu cầu: người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi đầu tiên, sau đó đến các cơ quan quản lý quản lý chuyên ngành, cơ quan kinh doanh cảng và cơ quan Hải quan cũng sẽ hưởng lợi từ chương trình này.
Báo cáo về thực trạng kiểm tra chuyên ngành tại một số cửa khẩu lớn tại TP.HCM, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng, thực trạng kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK là vấn đề nóng, làm kéo dài thời gian thông quan, gây nhiều bức xúc cho DN. Năm 2014, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 có 141.712/263.532 tờ khai nhập khẩu (chiếm 53,76%) phải kiểm tra chuyên ngành. Số tờ khai phát hiện vi phạm gần 300 bộ tờ khai, chiếm tỷ lệ 0,0722%; từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-11-2015 có 84.626/260.791 tờ khai nhập khẩu, chiếm 32,45% tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành. Số tờ khai vi phạm 139 tờ, chiếm tỷ lệ 0,0338%.
Từ thực trạng trên, Cục Hải quan TP.HCM cũng đưa ra một số giải pháp để triển khai Đề án trong đó quy định chi tiết giải pháp đối với cơ quan kinh doanh cảng; cơ quan kiểm tra chuyên ngành và cơ quan Hải quan. Các giải pháp này đã được các đơn vị tham gia cơ bản nhất trí cao.
Tại hội nghị, các cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan kinh doanh cảng đều phát biểu ý kiến đóng góp thực hiện đề án. Hầu hết các ý kiến đều rất đồng thuận khi Cục Hải quan TP.HCM triển khai đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Các doanh nghiệp kinh cảng sẵn sàng hỗ trợ, bố trí văn phòng làm việc ngay tại cảng cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành. Hiện nay, một số cơ quan quản lý chuyên ngành đã bố trí văn phòng tại cảng biển và sân bay.
Các cơ quan quản lý chuyên ngành cho rằng, đầu tư vào văn phòng tại cảng nhưng phải tính đến hiệu quả kinh doanh. Đồng thời nêu một số vướng mắc như con dấu, xem xét lại cơ chế chính sách về kiểm tra chuyên ngành…
Cơ quan kiểm tra giám định hàng NK ngay tại cảng Hiệp Phước. Ảnh: T.H |
Kết luận hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường cho rằng, các đơn vị nhất trí hoàn toàn về chủ trương của Nhà nước về triển khai quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án và đồng thuận các giải pháp để triển khai thực hiện. Tại 2 cửa khẩu cảng Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã chủ động bố trí địa điểm làm việc cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành. Qua số liệu thống kê cho thấy, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đang có xu hướng giảm, việc bố trí địa điểm cho các đơn vị kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu đã phát huy tác dụng.
Để giảm thời gian và chi phí, đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong đó có liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, cơ quan quản lý cấp bộ ngành. Vì vậy, cần phải làm việc với các doanh nghiệp để tuyên truyền, cơ quan kiểm tra chuyên ngành phải sắp xếp lại nhân lực, máy móc thiết bị kiểm tra…
Sau cuộc họp này, Cục Hải quan TP.HCM sẽ rà soát lại quy chế phối hợp giữa đơn vị và 10 đơn vị kiểm tra chuyên ngành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đặt trong mối quan hệ tổng thể giữa các đơn vị có liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành.
Đồng thời bàn giải pháp khắc phục các vướng mắc về sử dụng con dấu trên giấy đăng kí kiểm tra chuyên ngành, địa điểm lấy mẫu kiểm tra… Lộ trình triển khai, sẽ thực hiện tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 hoàn thành trước ngày 31-12-2015. Sau đó triển khai tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào cuối quý I-2016. Ngoài ra, các đơn vị khác có số tờ khai kiểm tra chuyên ngành lớn sẽ khuyến khích triển khai bố trí cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.
Theo báo Hải Quan.