|
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam ra thị trường nước ngoài 11 tháng đầu năm 2015 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó riêng tháng 11/2015 kim ngạch đạt 145,27 triệu USD, giảm 0,8% so với tháng 10/2015.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng rau quả Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,08 tỷ USD, chiếm 64,9% tổng kim ngạch, tăng 178,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ hai là xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, trị giá đạt 68,57 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 4,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Tiếp đến Hàn Quốc 61,52 triệu USD, tăng 14,5%; Hoa Kỳ 51,38 triệu USD, giảm 5,7%.
Nhìn chung, trong 11 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu hàng rau quả sang hầu hết các thị trường đều đạt mức tăng trưởng về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó đáng chú ý là xuất khẩu sang Capuchia, tuy kim ngạch chỉ đạt 8,62 triệu USD nhưng tăng tới 345% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Đức và Cô Oét cũng tăng mạnh về kim ngạch, với mức tăng tương ứng 33,2% và 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại trái cây, như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính, như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…, góp phần giúp cho xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh. Việc tiếp cận những thị trường này có được là do thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình như: trong tháng 9/2015, đã có trên 20 ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, sản phẩm thanh long cũng đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, năm 2015, theo hợp đồng được ký kết, mỗi năm sẽ có 3.000 tấn thanh long Bình Thuận xuất sang thị trường Nhật Bản. Các lô hàng được vận chuyển bằng đường biển đến Nhật Bản trong vòng 07 ngày.
Trước đây, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu thanh long vào một trong bốn hòn đảo chính của Nhật Bản với sản lượng khoảng 800 tấn/năm. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro. Những biến động của thị trường này đã và đang gây nên những bấp bênh về giá cả, khiến các nhà vườn thanh long và nông dân điêu đứng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khâu tổ chức sản xuất, chế biến, tiếp thị sản phẩm của xuất khẩu rau quả còn quá yếu. Sản xuất rau quả đa số là nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng không đồng đều, không theo quy hoạch nên việc quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng là rất khó khăn. Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chưa được áp dụng rộng rãi. Diện tích các vùng sản xuất rau an toàn tập trung được quy hoạch còn rất hạn chế, cả nước mới đạt khoảng 8%-8,5% tổng diện tích trồng rau.
Việc thu hái, sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25%-30%.
Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi còn hạn chế, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển rau quả đi xa. Vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi (giá đỗ, rau mầm...).
Tình trạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì…) còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi) trong tiếp cận thị trường.
Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ XK rau quả 11 tháng đầu năm 2015
ĐVT: USD
Thị trường |
T11/2015 |
11T/2015 |
+/- (%) 11T/2015 so với cùng kỳ |
Tổng kim ngạch |
145.279.711 |
1.670.248.290 |
+23,5 |
Trung Quốc |
93.638.438 |
1.083.403.308 |
+178,6 |
Nhật Bản |
6.430.386 |
68.572.360 |
+0,2 |
Hàn Quốc |
4.990.135 |
61.515.700 |
+14,5 |
Hoa Kỳ |
6.518.147 |
51.377.619 |
-5,7 |
Đài Loan |
2.892.956 |
36.567.798 |
+15,0 |
Hà Lan |
3.577.966 |
36.484.020 |
+1,9 |
Malaysia |
3.316.545 |
33.837.000 |
+21,2 |
Thái Lan |
3.029.283 |
28.280.195 |
+0,3 |
Singapore |
1.820.611 |
22.628.429 |
-4,0 |
Nga |
1.270.924 |
21.725.776 |
-36,8 |
Australia |
2.277.086 |
17.229.680 |
+6,7 |
Hồng Kông |
803.502 |
16.516.653 |
+17,1 |
UAE |
2.455.227 |
14.407.798 |
+11,3 |
Canada |
1.051.513 |
14.124.912 |
-4,8 |
Đức |
995.046 |
11.272.182 |
+33,2 |
Pháp |
1.158.925 |
8.949.015 |
-6,5 |
Campuchia |
675.850 |
8.627.333 |
+345,0 |
Indonesia |
144.281 |
7.786.779 |
-45,0 |
Lào |
285.248 |
6.506.632 |
-21,8 |
Anh |
512.120 |
5.534.529 |
+22,4 |
Italy |
462.829 |
3.939.134 |
-20,5 |
Cô Oét |
178.279 |
3.751.278 |
+39,1 |
Ucraina |
|
905.277 |
-40,2 |
Theo Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC
|