Dự báo năm 2015, Việt Nam tiếp tục đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra. Song DN “nội” đang đứng ở đâu trong thành tích này khi mà xuất khẩu của khối DN FDI liên tục tăng trưởng còn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN trong nước lại đang suy giảm?
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 11/2015 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã đạt trên 9%. Tốc độ nhập siêu được kiểm soát ở mức dưới 3 tỷ USD. Nhịp độ của tăng trưởng XK trong những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12 theo thông lệ chung đang chứng kiến những cải thiện tích cực trong bức tranh XNK.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, hết tháng 12, chúng ta có thể đạt được tốc độ tăng trưởng XK ở mức gần bằng so với mục tiêu của Quốc hội đã đề ra (xấp xỉ gần 10%) và nhập siêu được kiểm soát theo chỉ tiêu Quốc hội đã yêu cầu trong khoảng 5% kim ngạch XK.
Suy giảm nhiều mặt hàng chủ lực
Điều này cho thấy, năm nay vẫn tiếp tục là một năm XK Việt Nam đạt được thành tích cao, đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, khi xét trong từng ngành lại cho thấy những mặt hàng XK chủ lực của DN nội lại đang đứng trước nguy cơ suy giảm. Cụ thể trong 11 tháng năm 2015, kim ngạch XK các mặt hàng được xem là thế mạnh của Việt Nam như cà phê, gạo, thủy sản, than đá… đều giảm mạnh, trong đó riêng XK mặt hàng than đá giảm mạnh nhất khi giảm 74,7% về lượng và giảm 64,5% về trị giá.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2015, lượng XK than đá của cả nước là 1,68 triệu tấn, giảm 74,7%, với trị giá là 178 triệu USD, giảm 64,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp theo là mặt hàng dầu thô, tính đến hết tháng 11/2015, lượng dầu thô XK của cả nước đạt 8,35 triệu tấn, chỉ giảm 1,2% nhưng kim ngạch đạt 3,48 tỷ USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm trước.
Với mặt hàng thủy sản, XK thủy sản của Việt Nam, tổng kim ngạch XK trong 11 tháng lên 6 tỷ USD, giảm 16,6% (tương ứng giảm gần 1,2 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm trước.
Kế đến là mặt hàng cà phê, tính đến hết tháng 11/2015, lượng cà phê XK của nước ta đạt 1,15 triệu tấn với trị giá 2,32 tỷ USD, giảm 27% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Tương tự là mặt hàng gạo, tính đến hết tháng 11/2015, lượng XK gạo của cả nước là 6,07 triệu tấn, giảm nhẹ 0,7% và trị giá đạt 2,58 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước…
Trái ngược với mức giảm của các mặt hàng này, các mặt hàng được xem là XK chủ lực của các DN FDI như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; giầy dép, dệt may… lại tăng mạnh, trong đó tăng mạnh nhất là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện khi tính đến hết tháng 11/2015, trị giá XK nhóm hàng này đạt 14,31 tỷ USD, tăng 38,2%.
Lí giải nguyên nhân các mặt hàng XK chủ lực suy giảm, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng năm nay, kim ngạch XK tăng ở mức vừa phải do nhu cầu thị trường thế giới không cao nên một số mặt hàng được coi là thế mạnh của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, xu hướng bảo hộ mậu dịch của nhiều thị trường, các nước tăng cường hàng rào kỹ thuật nhằm vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản… trong năm qua cũng khiến Việt Nam gặp khó khăn. Đặc biệt, ông Tuấn dự báo những khó khăn này còn kéo dài đến năm sau nếu các DN không tự nâng cao năng lực để cạnh tranh.
DN “nội” đang ở đâu?
Trong khi nhóm hàng XK chủ lực của Việt Nam liên tục suy giảm thì việc khối DN FDI giữ vai trò chủ đạo của XK dù là vấn đề không mới, nhưng các DN nội khó giành lại được lợi thế.
Cụ thể, xét theo khối DN, với các DN trong nước XK đạt 6,71 tỷ USD, giảm 9,4%. Trong khi đó, với khối các DN FDI, trong 11 tháng/2015 xuất siêu 12,04 tỷ USD với trị giá XK đạt 101,53 tỷ USD, tăng 18,3%. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), với con số này, tổng giá trị XK của khối DN FDI đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo thống kê, năm 2005, XK của khu vực FDI mới chiếm 57% tổng giá trị XK hàng hóa của cả nước. Đến 11/2015, tỷ lệ này tăng lên 70%. Nhìn lại chuỗi số liệu cho thấy suốt từ năm 1995 đến nay, khu vực FDI luôn xuất siêu và khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu và từ năm 2012 đến nay, khu vực FDI có xu hướng xuất siêu mạnh mẽ.
Nhìn chung, khu vực FDI đã tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng XK trong những năm qua. Tuy nhiên, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến giá trị gia tăng trong thành tích XK của các DN FDI, bởi thực tế, tốc độ tăng trưởng XK cao đều là các mặt hàng gia công, lắp ráp, từ đó dẫn tới NK nguyên vật liệu cũng rất lớn.
Ts. Bùi Trinh, Chuyên gia kinh tế cho rằng khu vực FDI đang dần lấn lướt hoàn toàn khu vực kinh tế trong nước nhưng hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế không tương xứng. Mặt khác, điều này cũng cho thấy sản xuất của khối DN trong nước đang gặp khó khăn.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, cho biết hiện nay tỷ trọng DN FDI trong nền kinh tế Việt Nam hiện tại khá lớn, làm mất đi nhiều cơ hội phát triển của DN. Đây là điều mà hầu hết DN Việt Nam đều hết sức trăn trở, bởi nền kinh tế Việt Nam phải được dẫn dắt bởi những tập đoàn của Việt Nam thì mới có thể tự chủ lâu dài.
Do vậy, ông Vũ cũng cho rằng “Về trung hạn và dài hạn, chính sách của Nhà nước cần thúc đẩy sự phát triển của các DN nội địa nhưng thực sự hiện nay, Việt Nam như đã thành một nơi để các DN nước ngoài khai thác tối đa lợi thế. Chẳng hạn, DN ngành thép chúng tôi đã không còn dư địa phát triển, các ngành khác cũng vậy”.
Còn theo bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế, việc các DN FDI lấn sân các DN Việt Nam là điều không phải bàn cãi. FDI lấn sân DN Việt Nam trong XK được biểu hiện rất rõ. Nhưng liệu mình có thể cứ chỉ dựa vào FDI mãi được không. Bởi với bất cứ quốc gia nào, nội lực cũng là quyết định. Vì thế, nếu nội lực yếu, phải dùng phương thuốc phù hợp để mạnh thêm lên. Thu hút FDI vẫn phải dựa trên sự mạnh mẽ của cả hai bên, hợp tác cùng đi lên, chứ không thể chỉ là một chiều.
Theo Thời báo Kinh Doanh điện tử