Cước phí và phụ phí vận tải biển Việt Nam luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều bên liên quan. Có quan điểm cho rằng, các Cty xuất khẩu đang phải chịu gánh nặng từ chi phí này. Tuy vậy, nắm rõ phương thức cấu thành các loại chi phí vận tải sẽ giúp ta có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này.
Nhìn chung, ít hơn 25% các trường hợp, các công ty xuất khẩu trong nước chi trả cước vận tải tại Việt Nam do phần lớn cước vận tải được đàm phán và chi trả ở nước ngoài bởi các nhà nhập khẩu quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Tổng giám đốc công ty Maersk Việt Nam, trong tổng số các loại cước phí và phụ phí, mức thu phụ phí thao tác container tại cảng (THC) và các loại phụ phí khác chỉ chiếm từ 4-7% tổng doanh thu của các hãng tàu.
Đồng thời, khi đặt cạnh tình trạng lạm phát chung của nền kinh tế, mức tăng phụ phí của các hãng tàu thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát của Việt Nam. Lấy ví dụ, hãng tàu CMA đã không tăng phụ phí THC từ tháng 9 năm 2013; còn Maersk Line, MSC và APL-NOL thì chỉ tăng ở mức trung bình 2% mỗi năm. Phụ phí THC và phụ phí chứng từ ở Việt Nam hiện đang thấp thứ 2 trong khu vực, chỉ xếp sau Thái Lan.
Vì vậy, mức phụ phí địa phương (hay còn được gọi là “local charge”) như hiện nay rõ ràng là không bất hợp lý, mà phụ thuộc vào các mức chi phí khác nhau mà các hãng tàu phải chi trả để vận hành ở từng quốc gia. Hơn nữa, ta cũng cần phân biệt rạch ròi các loại phụ phí sẽ được thu bởi đơn vị nào, các hãng tàu, các công ty logistics hay các công ty trung gian vận chuyển hàng hóa.
Mặt khác, không thể tính chính xác cước vận chuyển khi chỉ dựa trên một quốc gia đơn lẻ, bởi một con tàu thông thường sẽ di chuyển qua nhiều cảng tại nhiều nước khác nhau để thu thập hàng hóa. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự cạnh tranh về chi phí vận tải giữa các nước.
Thực tế, chi phí vận tải trên toàn thế giới đã giảm trong những năm gần đây, mang lại lợi ích cho cả công ty xuất khẩu và nhập khẩu. Đặc biệt vào thời điểm hiện tại, trên các tuyến Á – Âu, cước phí vận tải biển của Việt Nam đã ngang bằng với các cảng chính trong khu vực Châu Á và đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích – Tổng giám đốc công ty Maersk Việt Nam cũng chia sẻ rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tư do (FTA) giữa Việt Nam và EU hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển thương mai cũng như đẩy mạnh nhu cầu về vận tải biển của nước ta. Cụ thể, hàng hóa thương mai giữa Mỹ và Việt Nam đã tăng 16% trong năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm tới. Việc nâng cao mức cạnh tranh trong cước phí vận tải biển sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.
Bà cũng chia sẻ rằng: “Với xu hướng phát triển thương mại điện từ toàn cầu, Maersk Line đã cung cấp minh bạch thông tin cho doanh nghiệp trên trang web của chúng tôi – các thông tin ví dụ như lịch trình tàu, thông tin các loại phụ phí và biểu giá, theo dõi tình trạng container – chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nâng cao dịch vụ và giải pháp công nghệ hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng tương tác với Maersk Line”.
Bà Bích cũng cho rằng Việt Nam cần tổ chức thêm nhiều hội nghị dành cho các công ty vận tải biển và các chủ hàng nhằm tạo điều kiện cho các hãng tàu đa quốc gia chia sẽ thông tin về tình hình phát triển của thị trường vận tải biển trên thế giới, cập nhật các thông tin về diễn biến cước và phụ phí cho các chủ hàng, tạo tính minh bạch trao đổi thông tin. Từ đó, ngành vận tải biển có thể phát triển một cách hiệu quả và sẵn sàng chào đón những “làn sóng” đầu tư tới Việt Nam, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp.