Lâu nay, việc định hình thị trường tranh Việt cũng như mang tranh nội xuất ngoại đa phần do những nỗ lực của cá nhân.
Triển lãm mỹ thuật Việt - Nga chủ đề “Bắt tay cùng nhau” (Handshake together) năm 2016 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM từ đến hết ngày 12/3. Đây là hoạt động giao lưu nghệ thuật diễn ra hàng năm giữa nghệ sĩ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga.
Trước đó, trong năm 2015, hàng loạt các cuộc triển lãm mỹ thuật giao lưu cũng đã được tổ chức ở trong và ngoài nước như giao lưu nhóm họa sĩ Việt Nam - Malaysia - Thái Lan; Triển lãm giao lưu sơn mài Việt Nam - Hàn Quốc; Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Singapore… đặc biệt là cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa lãnh đạo Hội mỹ thuật ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vào tháng 12-2015.
Từ hoạt động “bắt tay” của hội họa, giới làm nghề mong muốn thị trường mỹ thuật Việt Nam sớm được khai thác tiềm năng.
Năm 2016, cùng với triển lãm giao lưu mỹ thuật Việt- Nga, đã và sẽ có hàng chục triển lãm giao lưu giữa Việt Nam với các nước Mỹ, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc… Hoạt động giao lưu được các nhà quản lý mong rằng sẽ là “cầu nối” quan trọng. Tuy chưa diễn ra với mức độ liên tục nhưng đã giúp cho đời sống nghệ thuật thêm phong phú, thu hút sự quan tâm chú ý của người thưởng ngoạn, kể cả công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Nhưng trong con mắt của những người làm nghề, giao lưu lâu nay vẫn là hoạt động mang tính chất “hành chính”. Giá như có những yêu cầu đặt ra thông qua những cuộc giao lưu ấy là phải hướng tới phát triển thị trường mỹ thuật, phù hợp với đòi hỏi thực tế hoạt động nghệ thuật. Cao hơn nữa là việc “xuất khẩu” hội họa Việt thông qua những trợ giúp về mặt cơ chế của nhà nước. Lâu nay, việc định hình thị trường tranh Việt cũng như mang tranh nội xuất ngoại đa phần do những nỗ lực của cá nhân.
Điều đáng nói là Việt Nam không thiếu các điều kiện căn bản (đào tạo mỹ thuật được đưa vào các cấp học, số lượng giáo viên giảng dạy, người tham gia hoạt động trong lĩnh hội họa rất đông...) để giúp hình thành nên một thị trường mỹ thuật trong nước đủ sức cạnh tranh, nhưng tại sao hàng chục năm qua, lĩnh vực này vẫn loay hoay với kiểu “mạnh ai nấy làm”?
Tại Hội thảo “Xây dựng chính sách phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam” tổ chức cách đây ít lâu, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng, đã có một số chính sách được ban hành, các nghệ sĩ cũng vào cuộc, nhưng do thiếu thị trường điều tiết, nên giữa các bên còn lệch nhau.
Chừng vài tháng trước tại Hà Nội, trang web nghệ thuật mang tên vietartspace.com (thuộc “Dự án Viet Art Space) đã ra mắt. Mục tiêu của dự án là trở thành một gallery lớn nhất Việt Nam, cung cấp tranh nguyên gốc của họa sĩ cho khách hàng trong nước và quốc tế; là đại diện độc quyền của một số lượng lớn họa sĩ Việt Nam tài năng, là thương hiệu Việt về hội họa có uy tín trên thế giới; là trung tâm nghệ thuật (cả về đào tạo, định hướng thẩm mỹ...) giúp nâng cao văn hóa thẩm mỹ của người Việt; là đơn vị tổ chức các buổi triển lãm, trại sáng tác, giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ sĩ của Việt Nam với nghệ sĩ các nước, và đặc biệt là nhà đấu giá hội họa đầu tiên của Việt Nam.
Theo đó, sứ mệnh của dự án là nhằm đưa hội họa Việt Nam ra thế giới, nâng tầm hội họa của Việt Nam, nâng cao ý thức của người Việt với hội họa Việt, trở thành một trào lưu văn hóa thưởng thức cái đẹp.
Tất nhiên, chỉ trong vòng vài tháng, một dự án của những người yêu hội họa hẳn chưa thể tạo ra sức bật, sức vươn ngay lập tức cho hội họa. Nhưng chừng ấy cũng khiến cho nhiều người kỳ vọng về sự khởi đầu cho một thị trường mỹ thuật Việt Nam chuyên nghiệp.
Theo Báo điện tử Đại Đoàn Kết