Những miếng bánh ngon được nhà nước nhả ra cũng là cơ hội để các doanh nghiệp "kết đôi", qua đó thiết lập chuỗi giá trị cho doanh nghiệp mình. Đối với các doanh nghiệp XNK, hoạt động kho bãi, hậu cần là một mắt xích quan trọng hình thành nên chuỗi cung ứng.
Vào giữa năm 2015, CTCP Cảng Đoạn Xá (mã DXP-HNX) đã trải qua cuộc thay máu cổ đông khi cổ đông lớn nhà nước Vinalines hoàn tất thoái 51% vốn. Sắp tới đây, sau khi hai cổ đông cá nhân gồm ông Hoàng Văn Quang (Chủ tịch DXP) và ông Vũ Cảnh Toàn chuyển lại cổ phần cho công ty Tratimex P&L để tiện quản lý như đã được thông qua thì Tratimex P&L sẽ trở thành công ty mẹ, nắm 51,53% vốn của Cảng Đoạn Xá.
Ông Hoàng Văn Quang ngoài việc ngồi ghế Chủ tịch HĐQT DXP hiện còn đang đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc của Tratimex, một doanh nghiệp kinh doanh nhựa đường tại Hải Phòng. Tratimex P&L và Tratimex đều đặt trụ sở tại đường Ngô Quyền, phường Máy Chai, Tp. Hải Phòng. Đây cũng là khu vực gần với vị trí của Cảng Đoạn Xá.
Trong khi Tratimex P&L mới được thành lập vào tháng 11/2015 thì Tratimex lại là một doanh nghiệp tư nhân được thành lập từ năm 2000. Hoạt động kinh doanh chính của Tratimex là nhập khẩu sản phẩm nhựa đường/ nhựa nóng/ nhựa Shell từ Singapore, Hàn Quốc,… sau đó cung ứng nhựa đường cho nhiều công trình, dự án giao thông. Doanh số hàng năm lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, riêng lợi nhuận năm 2012 đạt gần 51.000 tỷ đồng.
Đầu tư nắm giữ tỷ lệ chi phối một doanh nghiệp cảng biển, Tratimex có lẽ không chỉ đơn thuần là việc lấn sân sang một lĩnh vực mới nhiều tiềm năng. Đây còn có thể là chiến lược thực hiện M&A ngành dọc bởi đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoạt động kho bãi, hậu cần là một mắt xích quan trọng hình thành nên chuỗi cung ứng.
Dưới sự điều hành của “người mới”, định hướng chiến lược của DXP được chỉ ra sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh lõi hiện tại (hoạt động lưu kho bãi). Thêm vào đó, DXP còn lên kế hoạch tăng vốn để thực hiện M&A với các doanh nghiệp trong ngành khai thác và kinh doanh cảng biển, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Xu hướng đầu tư vào mảng logistics của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực tế đã xuất hiện khá nhiều. Đơn cử như CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình (mã QBS-HoSE) hiện đang kinh doanh hai lĩnh vực chính là nhập khẩu & phân phối hóa chất và xuất khẩu phân bón. Tuy nhiên, ngoài hoạt động XNK cốt lõi, QBS còn đầu tư mảng kinh doanh bổ trợ logistics. Hiện QBS đang sở hữu các kho ngoại quan tại Hải Phòng (1,5ha), Cao Bằng (2,5ha) và kho ngoại quan tại Lào Cai. Công ty này mới đây đã công bố kế hoạch táo bạo hơn trong hoạt động đầu tư vào hoạt động kho bãi. Dự kiến, QBS sẽ thực hiện một dự án cảng cạn (ICD) lớn ngay tại Khu công nghiệp Đình Vũ với diện tích 10ha (cảng cạn lớn nhất miền Bắc hiện nay nằm tại Hải Dương – 12ha). Ban đầu, QBS xây dựng kho ngoại quan để phục vụ chính cho hoạt động kinh doanh. Nhưng vo
Một thương vụ kết đôi "đình đám" khác phải kể tới là việc công ty con của doanh nghiệp lớn ngành tôm CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cùng góp vốn với Gemadept (GMD) để triển khai Trung tâm logistics tại KCN Sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với quy mô 15ha. Vốn đầu tư khoảng 670 tỷ đồng.
Minh Phú được biết tới là một trong các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tôm đứng đầu thế giới. Năm 2014, doanh thu của Minh Phú lên tới 700 triệu USD. Vì chủ yếu nguồn thu đến từ xuất khẩu nên khi các quốc gia xuất khẩu tôm khác đều phá giá mạnh đồng nội tệ, doanh nghiệp này gặp phen lao đao, lợi nhuận bị kéo tụt.
Kế hoạch đầu tư thành lập doanh nghiệp cảng cùng Gemadept được Minh Phú công bố vào tháng 1/2015. Đến cuối năm 2015, Minh Phú đã rót 98 tỷ đồng vào công ty liên kết Mekong Logistics này. Tới tháng 11/2015, Minh Phú bổ sung ngành nghề kinh doanh “Vận chuyển và cho thuê đầu kéo Container”, qua đó tiếp tục có những bước sâu hơn trong lĩnh vực kho vận.
Không chỉ riêng doanh nghiệp xuất nhập khẩu mới quan tâm tới lĩnh vực logistics để bổ trợ cho hoạt động kinh doanh chính. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp logistics cũng không bỏ qua miếng bánh ngon là các khách hàng của mình.
CTCP Trasimex Saigon (mã TMS-HoSE) vừa mới đây đã quyết định mua 30,328 triệu cổ phiếu, tương đương 35,02% vốn điều lệ của Công ty TNHH Một thành viên Xuất Nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) ngay sau khi công ty thực hiện IPO. Tổng số tiền chi ra tối thiểu lên tới hơn 300 tỷ đồng. Nếu dự định nắm giữ hơn 35% vốn của TMS thành công, TMS sẽ phải nắm giữ khoản đầu tư này ít nhất 5 năm, theo ràng buộc với cổ đông chiến lược.
Cholimex là một trong những doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu ước tính mang về 34.000 tỷ đồng trong năm 2015. Đây là nguồn thu lớn thứ hai cho công ty mẹ Cholimex, chỉ sau doanh thu từ hoạt động phân phối (hợp tác với DN sản xuất trong nước tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức lập nhà phân phối).
Cùng với đó, Cholimex thông qua công ty con Công ty TNHH MTV KCN Vĩnh Lộc đang sở hữu một loạt các dự án KCN và Khu dân cư – tái định cư tại huyện Bình Chánh, Tp.HCM. Lợi thế quỹ đất rộng lớn của Cholimex còn có thể giúp TMS mở thêm cảng ICD hay trung tâm phân phối tại các khu công nghiệp, đồng thời cũng là để khai thác hiệu quả diện tích đất rộng lớn của Cholimex.
Tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đang được thúc đẩy, những miếng bánh ngon được nhà nước nhả ra cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện M&A , "kết đôi" , qua đó thiết lập, củng cố chuỗi giá trị cho doanh nghiệp mình. Những thương vụ bắt tay giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và kho bãi – hậu cần xuất hiện không phải là điều quá bất ngờ bởi hai ngành kinh doanh vốn có quan hệ mật thiết và bổ trợ cho nhau.
Theo Người đồng hành.