Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

3/22/2016 11:25:38 AM

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện

Sáng 21-3, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội (QH) khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,68%

Nhìn lại KT-XH 5 năm qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thành tựu quan trọng hàng đầu là kinh tế vĩ mô có những chuyển biến tích cực, cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước; chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu, 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu không đạt.

Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%/năm. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng lên; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người khoảng 2.109 USD. Trong giai đoạn 2011-2015, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011; dư nợ tín dụng tăng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện; tạo việc làm cho 7,8 triệu người…

Dù vậy, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thật bền vững. Cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu 4,5% GDP. “Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lo lắng.

Nâng thu nhập bình quân lên 3.500 USD/người/năm

Chính phủ đặt ra mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020 là đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5%-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32%-34% GDP, bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP…

Chính phủ rút ra những bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm tới. Cụ thể, phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất; thực sự coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển.

Điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia; tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động…

Chuyển rừng phòng hộ thành vườn quốc gia

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020 cấp quốc gia. Sau đó, ông Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Ủy ban Kinh tế, trình bày báo cáo thẩm tra kế hoạch sử dụng đất.

Theo đó, năm 2015, diện tích rừng phòng hộ có gần 5,6 triệu ha, trong đó khoảng 1,1 triệu ha chất lượng kém tại các khu vực ít xung yếu và diện tích đất rừng mới trồng nhưng chưa đủ tiêu chuẩn.

Trong giai đoạn 2016-2020, bảo vệ khoảng 4,4 triệu ha rừng phòng hộ hiện có, phục hồi và trồng khoảng 240.000 ha tại các khu vực đầu nguồn xung yếu, các lưu vực sông, khu vực ven biển, biên giới và rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Đến năm 2020, đất rừng phòng hộ có hơn 4,6 triệu ha.

Đáng chú ý, trong giai đoạn này sẽ chuyển khoảng 100.000 ha rừng phòng hộ sang rừng đặc dụng để thành lập các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên góp phần nâng cao tính đa dạng sinh học và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước có 176 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 2,46 triệu ha.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc chuyển đổi một phần diện tích đất rừng phòng hộ sang đất rừng đặc dụng là cần thiết. Mặt khác, theo Ủy ban Kinh tế, một số ý kiến cho rằng thời gian qua, việc quy hoạch hệ thống đường giao thông cắt qua các khu rừng đặc dụng đã phá vỡ hệ sinh thái, gây khó khăn cho công tác bảo vệ rừng, do vậy đề nghị Chính phủ rà soát quy hoạch để hạn chế những tác động tiêu cực đối với các khu bảo tồn.

Theo kế hoạch sử dụng đất, về giải pháp sử dụng đất lâm nghiệp, sẽ rà soát, xác định rõ chỉ tiêu khống chế về diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên cần bảo vệ nghiêm ngặt; phân bổ, xác định ranh giới, cắm mốc; giao cho tổ chức quản lý và UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý. Trong trường hợp cần chuyển mục đích, nhất là việc chuyển đất rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, phải được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật và theo quy trình kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu xét duyệt, xác định loại cây trồng thay thế đến khâu chặt tỉa, khai thác… tránh tác động xấu tới vấn đề an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

 

Hạn chế nhà nhỏ lẻ ở đô thị

Kế hoạch sử dụng đất nêu rõ về đất đô thị, sẽ rà soát quy hoạch sử dụng theo hướng bố trí sử dụng đất hợp lý, hạn chế việc thực hiện các dự án nhà ở nhỏ lẻ tại các thành phố. Các công trình xây dựng tại các đô thị cần triệt để khai thác không gian ngầm và trên cao để tiết kiệm đất.

Theo báo Người lao động.

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com