Giá tôm xuất khẩu trong những tháng đầu năm có mức tăng nhẹ từ 4-5% do nhu cầu thị trường và cung cầu thế giới.
Đây là thông tin được ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cung cấp với phóng viên Báo Hải quan.
Theo VASEP, 2 tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu tôm đạt 378,4 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá tôm tăng mạnh nên nhiều thị trường không hấp thụ được nên có sự tăng trưởng không đồng đều ở các thị trường xuất khẩu tôm, một số thị trường tăng nhưng một số thị trường cũng sụt giảm.
Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc - Hongkong là hai thị trường “sáng” nhất trong bức tranh xuất khẩu tôm với mức tăng lần lượt là 24,8% và 36,5% so với cùng kỳ năm trước.
Từ vị trí thứ 4 trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất (gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc - Hongkong và Hàn Quốc) năm 2015, Trung Quốc - Hongkong vươn lên đứng thứ 2 (sau Mỹ) với giá trị xuất khẩu đạt 64,8 triệu USD, chiếm 17,1% tổng xuất khẩu.
Còn với thị trường Mỹ, ngay từ tháng 9-2015, khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1-2-2013 đến 31-1-2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% đã giảm so với kết quả sơ bộ 0,93% công bố hồi tháng 3/2015 và giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét lần trước POR8, nhiều doanh nghiệp dự báo, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ tăng dần.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ vẫn giảm 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ mới bắt đầu tăng khả quan so với cùng kỳ năm ngoái.
Với thị trường Hàn Quốc, dù 2 nước đã bắt đầu thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc nhưng xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc chỉ đạt 30.000 triệu USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ mặc dù giá đã nhích lên.
Nhận định về vấn đề này ông Hòe cho hay, đầu năm chưa phải mùa vụ tiêu thụ nên tình hình tiêu thụ tại các thị trường đang chững lại, đến cuối năm mới rộ lên.
Mặc dù thời điểm này, giá tôm xuất khẩu có nhích lên nhưng mới chỉ có gần 3 tháng đầu năm chưa thể đánh giá được nhiều, phải đến tháng 4, tháng 5 mới biết được khuynh hướng của thị trường.
Chia sẻ thêm về vấn đề Ả rập Saudi dừng thông quan những công hàng tôm có nguồn gốc từ Việt Nam do xuất hiện bệnh đốm trắng, ông Hòe cho hay, Ả rập Saudi không phải thị trường lớn của con tôm Việt Nam nhưng đôi khi tác động dây chuyền, tác động đến tâm lý của người mua.
Trên thực tế, dịch bệnh đốm trắng gặp ở bất kỳ nước nào nuôi tôm, vấn đề là dịch bệnh bùng phát lúc nào và có biện pháp để ngăn chặn trước khi thu hoạch. “Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT sẽ biết được thông tin doanh nghiệp nào đang xuất khẩu sang Ả rập Saudi để đưa ra cảnh báo với doanh nghiệp không làm ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu”, ông Hòe nói.
Theo Báo Hải Quan