Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng liên tục qua các năm thì xuất khẩu nông sản thực phẩm, lĩnh vực được cho là có lợi thế của Việt Nam, sang thị trường này lại đang giảm.
Tại hội thảo: “Cơ hội xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang Hoa Kỳ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu” diễn ra ngày 11-3, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, cho hay xuất khẩu nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm vào Hoa Kỳ đi ngược lại xu hướng chung trong giao thương giữa hai nước.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này hiện vẫn đang chứng kiến mức tăng trưởng âm trong năm 2015 do phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được toàn diện, hiểu biết cặn kẽ những quy định về an toàn thực phẩm, dược phẩm khi nhập khẩu cũng như quy trình thủ tục vào thị trường này.
Trong khi đó, kể từ khi Hiệp định thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức có hiệu lực cuối năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng liên tục với tốc độ cao, từ con số 452 triệu đô la Mỹ năm 1995 đã lên 1,51 tỉ đô la Mỹ năm 2001 và đạt con số gần 38 tỉ đô la Mỹ năm 2015, tăng 24,2% so với năm 2014 và 25 lần so với năm 2001.
Năm 2015, Việt Nam vươn lên xếp thứ 19 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ trong khi thời điểm năm 2014, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí số 27. “Đây là lần đầu tiên Việt Nam lọt vào danh sách 20 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ”, ông Lang nói và cho biết thêm, Việt Nam hiện cũng là nước xuất khẩu lớn thứ 13 vào thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chính hiện nay sang Hoa Kỳ vẫn là các mặt hàng truyền thống như dệt may, máy móc thiết bị điện tử và linh kiện, giày dép, đồ gỗ nội thất, chứ không phải là nông sản.
Theo số liệu của Cục Xúc tiến thương mại, một số mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2015 đã giảm mạnh so với năm 2014. Ví dụ, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đạt 1,125 tỉ đô la Mỹ năm 2014 thì sang năm 2015 chỉ còn 901 triệu đô la Mỹ, giảm 20%; mặt hàng cà phê, trà, gia vị các loại chỉ đạt 672 triệu đô la Mỹ năm 2015, giảm 15,5% so với năm 2014.
Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam và cũng là giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu mật ong lớn, cho hay Việt Nam xuất khẩu mật ong sang Hoa Kỳ từ năm 1992, kim ngạch và sản lượng mật ong xuất khẩu sang Hoa Kỳ liên tục tăng và đạt đỉnh vào năm 2014 với 132 triệu đô la Mỹ kim ngạch và 47.000 tấn sản lượng.
Song, từ năm 2015 tới nay, do thị trường gặp nhiều khó khăn nên các nhà nhập khẩu đã giảm đáng kể lượng hàng mật ong nhập từ Việt Nam. Theo tính toán của Hiệp hội này, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu mật ong sang Mỹ chỉ còn khoảng 93 triệu đô la Mỹ, tương đương 37.000 tấn và sang năm 2016 thì lượng mật ong xuất khẩu sang thị trường này còn giảm hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng như hộ nuôi ong đang bỏ nghề.
Theo ông Tâm, mật ong sang Hoa Kỳ đang gặp phải hai vấn đề. Thứ nhất là do điều kiện tự nhiên nên màu sắc của mật ong của Việt Nam đậm và thứ hai là dư lượng chất Carbendazim (chất diệt nấm) mà Hoa Kỳ yêu cầu quá thấp. Bên cạnh đó, do Hoa Kỳ là thị trường lớn, hấp dẫn nên mật ong Việt Nam bị cạnh tranh khốc liệt bởi các thị trường truyền thống như Argentina, Brazil hay nhiều thị trường mới nổi khác như Ấn Độ, Thái Lan...
Đặc biệt, chi phí kiểm tra ở phòng thí nghiệm rất lớn và ngày càng tăng. Theo ước tính của ông Tâm, để xuất khẩu một tấn mật ong sang Hoa Kỳ mất khoảng 1,5 triệu đồng/tấn cho 4 đến 5 lần kiểm tra và số lượng chỉ tiêu kiểm tra cũng tăng lên, nếu như trước đây chỉ 4 đến 5 chỉ tiêu thì nay đã lên 25 chỉ tiêu. “Xuất khẩu sang Hoa Kỳ gặp vô vàn khó khăn”, ông Tâm nói.
Có mặt tại hội thảo, ông David Lennarz, Phó Chủ tịch Registrar Corp, cho hay, để đảm bảo sức khỏe của người dân, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ngày càng có nhiều quy định khắt khe hơn tới vấn đề an toàn thực phẩm. Đặc biệt, Tổng thống Obama đã ký luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) vào ngày 4 tháng 1 năm 2011 và được gọi là “công cuộc cải cách sâu rộng nhất của luật an toàn thực phẩm trong hơn 70 năm qua”. Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) đưa ra nhiều quy định mới, khắt khe hơn khiến việc xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Hoa Kỳ ngày càng khó khăn.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online