Câu chuyện đấu giá cá ngừ Việt Nam tại Nhật Bản gần đây tuy số lượng rất khiêm tốn nhưng loé lên hy vọng nâng giá trị xuất khẩu cá ngừ (mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng thứ 3 sau tôm và cá ba sa) thông qua phương thức đấu giá.
Dự án theo chuỗi
Lô cá ngừ đại dương Việt Nam bán đấu giá tại TP. Sakai (Nhật Bản) hồi gần cuối tháng 3/2016 được xem là thành công khi mức giá cao hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, đạt bình quân 1.380 Yên/kg (tương đương 270.000 đồng/kg). Đây là lô thứ 2 được đưa sang Nhật bán đấu giá.
Tuy nhiên, điểm bất lợi là giá vận chuyển cá ngừ đúng chuẩn bằng máy bay từ Việt Nam sang Nhật có chi phí khá cao. Mỗi đợt 25 tàu đánh bắt theo kiểu Nhật mang về đất liền hàng chục tấn cá nhưng chỉ lọc được vài trăm ký cá có chất lượng tốt nhất xuất khẩu nhằm làm quen với đấu giá. Đợt khai thác đầu tiên hồi tháng 1/2016 cũng chỉ chọn được 8 con cá ngừ (387kg) đưa sang Nhật đấu giá. Điều đó cho thấy, việc xuất khẩu theo phương thức đấu giá ở nước ngoài cần thêm thời gian để thích ứng.
Thực tế, việc đấu giá này dựa trên mô hình thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi do tỉnh Bình Định và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hợp tác nhằm thực hiện Dự án “Chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để khai thác, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu cá ngừ đại dương”.
Ông Nguyễn Văn Việt, Hiệp hội Cá ngừ tỉnh Bình Định cho biết, mô hình thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi gồm 3 bên là Nhóm tàu khai thác - Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) - Liên danh Kato - Yamada (Nhật Bản). Nhóm tàu có 25 chiếc đánh bắt cá ngừ đại dương, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chuỗi (áp dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác, xử lý và bảo quản cá ngừ do Nhật chuyển giao).
Bidifisco ký hợp đồng tiêu thụ cá ngừ với từng chủ tàu của nhóm 25 tàu nêu trên. Giá thu mua theo đánh giá phân loại chất lượng (tăng 20% đối với cá ngừ đạt chất lượng xuất khẩu tươi nguyên con dạng sashimi, các loại còn lại tăng 3.000 đồng/kg).
Liên danh Kato - Yamada là đại diện của Bidifisco tại Nhật để tiếp nhận cá và đưa vào Trung tâm bán đấu giá hoặc tiêu thụ tại các cửa hàng liên kết với chuỗi.
Cần Trung tâm đấu giá thu mua cá ngừ
Ước tính cả nước hiện có 3.600 tàu với hơn 35.000 ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng đánh bắt mỗi năm khoảng 17.000 tấn.
Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, trong chuỗi giá trị cá ngừ, hiện có khoảng 45 công ty khai thác và xuất khẩu với các tàu công suất lớn, còn lại là các ngư dân với các tàu công suất nhỏ. Các cơ sở thu mua, nậu vựa đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi.
Thống kê có khoảng 144 công ty chế biến và xuất khẩu cá ngừ, trong đó có 16 công ty lớn với công suất trên 1.000 tấn cá ngừ/năm và chiếm tới 85% tổng sản lượng xuất khẩu. Các tác nhân này thông qua các cơ sở thu mua, nậu vựa để mua nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Ông Tùng nhận định các vấn đề tồn tại của chuỗi giá trị cá ngừ là công nghệ bảo quản còn lạc hậu ở khâu khai thác, thiếu thông tin về ngư trường và trữ lượng cá ngừ, thiếu liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi.
Để nâng giá trị cá ngừ, ông Nguyễn Văn Việt đề xuất, Nhà nước cần đầu tư xây dựng cảng cá ngừ chuyên dụng và Trung tâm đấu giá thu mua cá ngừ. Ngoài ra, nên tạo điều kiện vốn cho DN đóng tàu dịch vụ thu mua cá ngừ trực tiếp trên biển, giảm dần các nậu vựa trung gian không đáng có và tạo cho DN, ngư dân có tiếng nói chung về cách khai thác, sơ chế, thu mua, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi.
Theo Báo Đấu thầu