Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chính thức ký tờ trình Chính phủ về phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo diễn giải của Bộ Công thương, với TPP, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, Canada… sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% cho nhiều loại hàng hóa, sẽ tạo ra cú hích lớn.
Riêng ngành dệt may, Bộ Công thương ước tính sẽ giảm được tới trên 63% thuế phải nộp ngay khi TPP có hiệu lực.
“Ước tính thận trọng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của VN có thể tăng 30-40% ngay năm đầu tiên và sau khoảng 3-4 năm sẽ tăng gấp đôi”.
Cho rằng hiện nay các tập đoàn như Intel, Samsung đã đầu tư vào VN với mục tiêu biến nước ta thành cơ sở quan trọng trong chuỗi sản xuất mặt hàng công nghệ cao, Bộ Công thương tin rằng tham gia TPP, xu hướng này sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội lớn để nâng tầm nền kinh tế VN trong 5-10 năm tới.
Bộ Công thương nêu TPP gồm 30 chương, 9 phụ lục điều chỉnh rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề ít truyền thống hơn như mua sắm của các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, đồng thời mở rộng ra các vấn đề được coi là phi truyền thống như lao động, môi trường, chống tham nhũng…
Về kinh tế, Bộ Công thương dẫn tính toán của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và các tổ chức cho rằng TPP sẽ giúp tăng GDP của VN thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020. Xuất khẩu cũng tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên về thách thức, Bộ Công thương công nhận sẽ không nhỏ. Cho rằng các lĩnh vực nhạy cảm nhất như hạ tầng viễn thông, báo chí xuất bản… TPP cho bảo lưu biện pháp quản lý vì mục tiêu công cộng (bao gồm cả quản lý thông tin truyền thông), nội dung về lao động công đoàn cũng đã được VN xử lý phù hợp… nên Bộ Công thương cho rằng không tạo thách thức mới, VN sẽ chủ động được.
Thách thức với một số ngành cụ thể, theo Bộ Công thương, là các ngành sản xuất thịt lợn, thịt gà, sữa, đậu tương, ngô…
Về công nghiệp, Bộ Công thương công nhận một số sản phẩm các nước TPP có thế mạnh có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp VN là: các ngành giấy, thép, ôtô.
Tuy nhiên, bộ này tự tin “có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì hiện tại và trong 10-15 năm tới, sản phẩm vẫn chủ yếu hướng tới phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm các nước TPP thường hướng đến phân khúc cao cấp”.
Để vượt qua thách thức, nhất là lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Bộ Công thương nêu Chính phủ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ.
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nêu hiện nhiều tập đoàn lớn của VN đã quan tâm đầu tư vào nông nghiệp với công nghệ tiên tiến, vì vậy bộ này nêu có cơ sở để tin rằng các sản phẩm do các tập đoàn này sản xuất sẽ có khả năng cạnh tranh trên sân nhà.
Với các căn cứ trên, Bộ Công thương khẳng định không đề nghị bảo lưu bất cứ phần nào của hiệp định và đề nghị phê chuẩn trong thời gian sớm nhất hiệp định TPP.
Sẽ phải sửa đổi, bổ sung hàng loạt luật, nghị định
Để phù hợp với TPP, Bộ Công thương qua rà soát cho thấy VN sẽ cần sửa đổi bổ sung 10 luật, 22 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng.
Bên cạnh đó, sẽ phải ban hành mới 9 văn bản, gồm 1 luật, 7 nghị định và 1 quyết định của Thủ tướng. Đặc biệt sẽ phải bãi bỏ một pháp lệnh.
Theo Báo Tuổi Trẻ