Xuất khẩu gạo chính ngạch sang Trung Quốc là điều kiện thuận lợi cho DN nội nâng cao thương hiệu gạo Việt tuy nhiên đi kèm với cơ hội là hàng loạt thách thức đặt ra.
Xóa bỏ cơ chế độc quyền trong kiểm soát, thẩm định chất lượng sản phẩm và tiến tới xuất khẩu theo đường chính ngạch là nội dung quan trọng nhất của Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước công bằng cạnh tranh nhằm nâng cao thương hiệu hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là hàng loạt thách thức đặt ra cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta khi áp dụng Nghị định thư nói trên.
Thách thức dễ thấy nhất là phía các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ siết chặt vấn đề về chất lượng bằng việc cử nhiều đoàn trực tiếp đến kiểm tra tại các nhà máy xay xát gạo của Việt Nam. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, xứ xứ gạo xuất khẩu theo quy định, đòi hỏi các doanh nghiệp phải xây dựng và kiểm soát chặt chẽ vùng nguyên liệu.
Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn, với trị giá gần 1 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc chiếm nhiều nhất với hơn 35%. Hiện Trung Quốc là thị trường tiềm năng nhất của hạt gạo Việt Nam. Do đó, ngoài những giải pháp của doanh nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành liên quan nhằm giúp hạt gạo Việt Nam có thể trụ vững ở thị trường này bằng con đường chính ngạch.
Theo Báo điện tử VTV