Sự kiện Anh rời EU là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó các nước tuy không có mối liên hệ nhiều với Anh như VN cũng chịu những tác động nhất định.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định việc Anh rời EU chưa có nhiều tác động về ngắn hạn đối với VN, tuy nhiên về dài hạn thì VN nên xem xét việc xây dựng lại các hiệp định giao thương đối với Anh.
Cần chuẩn bị đến kịch bản xấu
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc Anh bỏ phiếu rời EU chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới thị trường thế giới, lớn nhất là thị trường chứng khoán (TTCK), giá vàng và tỉ giá. Và lâu dài, các yếu tố này sẽ tác động tới thương mại, đầu tư, du lịch… của các nước đối với Anh, trong đó có VN.
Việc Anh rời EU sẽ ảnh hưởng tới VN, dù không quá lớn nhưng cũng sẽ không chỉ là ngắn hạn mà cả về lâu dài. Bởi khi Anh ra đi, đồng bảng giảm giá, đồng euro có thể giảm giá thì xuất khẩu của VN sang Anh sẽ khó khăn và đắt đỏ hơn.
“Chúng ta chủ yếu xuất khẩu và dùng đồng USD để thanh toán. Trong khi nếu dùng đồng euro thì sẽ rẻ hơn. Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Deutch Bank (Đức), khi Anh rời EU, tăng trưởng của riêng Anh sẽ giảm 0,9%, còn của EU thì giảm 0,2% so với dự tính.
Kinh tế khó khăn hơn thì tiêu thụ hàng hóa sẽ ít hơn, ảnh hưởng đến xuất khẩu của nhiều nước trong đó có VN.
Đầu tư và du lịch ra ngoài của khối EU và Anh sẽ được cân nhắc kỹ hơn và không loại trừ sẽ giảm. Vị thế trung tâm tài chính London cũng bị ảnh hưởng, vì thế các giao dịch của VN có thể sẽ bị đắt đỏ hơn” - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích.
Trước khả năng tác động ngắn và dài hạn như thế, ông Cấn Văn Lực cho rằng các cơ quan chức năng VN cần theo dõi kỹ tình hình để có kịch bản và sự điều chỉnh kịp thời, kể cả tính đến những phương án xấu nhất.
Yếu tố tâm lý rất quan trọng, vì vậy nếu các thị trường có biến động mạnh thì cần sự can thiệp nhanh và dứt khoát như cách ứng phó của Nhật vừa qua, không chỉ với thị trường chứng khoán mà cả với thị trường vàng và ngoại tệ.
Mặt khác, theo ông Trương Thanh Đức - chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng, đối với những hiệp định thương mại VN đã ký kết với EU thì giữ nguyên. Nhưng sau khi Anh đã tách khỏi EU thì những hiệp định thương mại, dịch vụ tài chính, dịch vụ ngân hàng của VN và Anh sẽ phải đàm phán lại từ đầu.
“Đây là vấn đề mà trong hai năm tới, khi Anh chưa thật sự tách ra khỏi EU thì chúng ta đã phải tính đến. Phải có những phương án đối phó với vấn đề này, chủ yếu thông qua chính sách tỉ giá, hối giá là quan trọng nhất, bên cạnh đó là những hiệp định về đầu tư thương mại và việc thiết lập rào cản thuế quan giữa hai nước” - ông Trương Thanh Đức nói.
Tác động chưa phải là lớn đến kinh tế VN
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên đối với VN thì tác động chưa phải là lớn, vì hội nhập của nước ta đối với thế giới chưa thật sự sâu và rộng.
Thêm vào đó, mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa VN và Anh còn chưa nhiều, phần trăm xuất nhập khẩu của nước ta sang Anh không lớn và VN có thể chuyển hướng sang các thị trường thay thế.
Tuy nhiên khi quan hệ tỉ giá giữa VN và Anh thay đổi do đồng bảng Anh mất giá thì chắc chắn sẽ tạo áp lực không nhỏ đối với xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính, cho rằng sự kiện dân Anh quyết định rời EU vào ngày 24-6 đã tạo nên sắc đỏ trên nhiều TTCK thế giới và cả ở VN.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, việc TTCK VN giảm điểm mạnh, sau đó đã gượng lại, có mức giảm điểm ít hơn do dòng tiền vào mua khá mạnh đã cho thấy các nhà đầu tư không nghĩ rằng việc Anh rời EU sẽ tác động mạnh tới VN.
Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cũng bán ròng không nhiều. Việc Anh rời EU có thể khiến khối này chao đảo, tuy nhiên nó khiến đồng bảng mất giá, xuất khẩu của Anh sẽ thuận lợi hơn. Điều này sẽ tác động tới một số quốc gia lớn và có thể tác động đến tỉ giá của đồng USD và yen Nhật.
“Việc Anh rời EU thật sự tác động thế nào chắc phải chờ thêm một thời gian nữa, khi tỉ giá các đồng tiền lớn có điều chỉnh” - ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Còn với VN, quốc gia có không nhiều giao thương với Anh, bản thân việc đồng bảng yếu đi lại còn thuận lợi cho rất nhiều người muốn du lịch, học hành ở Anh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Hải, tác động của việc Anh rời EU tới VN là không lớn.
Bloomberg đánh giá Việt Nam chịu tác động lớn nhất châu Á
|
Biểu đồ mức độ chịu ảnh hưởng của các nước châu Á từ sự kiện Anh rời EU - Ảnh chụp màn hình trang Bloomberg. |
Trước câu hỏi nên đánh giá thế nào về những tác động của “Brexit” đối với các nước châu Á, Tom Orlik - chuyên gia kinh tế của Bloomberg - cho rằng châu Á không phải là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất trong việc Anh rời Liên minh châu Âu, tuy vậy nền kinh tế của một vài quốc gia chắc chắn sẽ dễ bị tổn thương hơn các quốc gia còn lại.
Khi đánh giá 12 nền kinh tế lớn ở châu Á, các chuyên gia từ Bloomberg nhận thấy rằng Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc là những quốc gia dễ chịu tác động nhất, trong khi Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Philippines… là những nước ít chịu tác động hơn.
Những đánh giá này là dựa trên đà tăng trưởng kinh tế của từng quốc gia cũng như mức độ tiếp xúc với các dòng chảy thương mại và dịch chuyển vốn đầu tư xuyên quốc gia của các nước trong bối cảnh “Brexit” đang làm rung chuyển toàn cầu.
Theo chuyên gia kinh tế Tom Orlik, không có gì ngạc nhiên khi những nước chịu tác động mạnh nhất là những trung tâm kinh tế nhỏ, có đà tăng trưởng kinh tế chậm và phụ thuộc rất nhiều vào giao thương toàn cầu.
Một điều ngạc nhiên là Trung Quốc lại nằm trong số những nước chịu tác động nhiều nhất do quốc gia này có đà tăng trưởng kinh tế chậm và dòng chảy thương mại xuyên quốc gia lớn. |