Khi chưa có phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành quản lý logisics thương mại thì việc thành lập một ủy ban điều phối liên ngành logistics là cần thiết.
TÍNH CẦN THIẾT PHẢI NÂNG CAO NĂNG LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LOGISTICS THƯƠNG MẠI
Điều 233 của Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics được định nghĩa là “Hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi kỹ mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”. Hiện nay, Luật Thương mại là căn cứ pháp luật điều chỉnh quản lý nhà nước về logistics. Do đó ở nước ta, về mặt quản lý nhà nước, các dịch vụ logistics do nhiều cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm quản lý, không có một cơ quan đầu mối chuyên nghiệp đảm trách việc phát triển ngành Dịch vụ logistics. Nghị định 140/2007/NĐ- CP ngày 5/9/2007 “Quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics” (Điều 9). Quản lý nhà nước, quy định “Bộ Công thương chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics”.
Trên thực tế, các dịch vụ vận tải, trong đó có vận tải đa phương thức, dịch vụ đại lý vận tải, dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ kho bãi và lưu kho hàng hóa... thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT. Các dịch vụ liên quan tới phân phối thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương các dịch vụ hỗ trợ khác như hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container, dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật... thuộc sự quản lý của các bộ, ngành khác nhau, trong đó có Bộ Công thương, Bộ GTVT, Bộ Tài chính (Hải quan). Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về dịch vụ nói chung. Bộ GTVT cấp phép về hoạt động vận tải đa phương thức, trong khi các sở kế hoạch và đầu tư cấp phép kinh doanh dịch vụ logistics. Hiện nay chưa có quy định rõ ràng vể trách nhiệm và phạm vi quản lý giữa các cơ quan nhà nước, do đó chưa có sự quản lý đồng bộ và phát huy hiệu quả các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động logistics, hạn chế sự phát triển của ngành Dịch vụ logistics, một ngành kinh tế dịch vụ gia tăng giá trị quan trọng.
Trong điều kiện hiện nay, có nhiều bộ, ngành liên quan đến việc quản lý logistics thương mại và khi chưa có phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành của thể chế pháp lý chưa thật minh bạch, việc thành lập một ủy ban điều phối liên ngành về logistics là một việc làm cần thiết. Đây là một cơ chế quản lý ngành Dịch vụ logistics hữu hiệu được các nước trong khu vực như: Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan áp dụng. Cơ chế này sẽ giúp cho Nhà nước quản lý Ngành hữu hiệu hơn, góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành Dịch vụ logistics thương mại của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của thương mại nước ta nói riêng và nền kinh tế nói chung.
THÀNH LẬP ỦY BAN ĐIỀU PHỐI LOGISTICS QUỐC GIA
Ủy ban điều phối logistics quốc gia có chức năng và trách nhiệm chủ yếu như sau:
1. Xây dựng các chính sách trình Chính phủ liên quan đến chiến lược phát triển ngành Dịch vụ logistics thương mại. Hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược phát triển ngành Dịch vụ logistics quốc gia với chương trình hành động cụ thể. Thái Lan đã xây dựng chiến lược phát triển logistics 2007 - 2011...
2. Đóng góp ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan trong việc đề ra các chính sách phát triển kết cấu hạ tầng, khung khổ pháp lý minh bạch, phát triển nguồn nhân lực và an toàn cho logistics; chính sách và biện pháp khuyến khích đầu tư phát triển ngành Logistics và thực hiện chiến lược phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2020.
3. Phối hợp và xây dựng các biện pháp cải thiện chất lượng, tính hiệu quả và khả năng đáp ứng của các dịch vụ logistics để hỗ trợ cho các yêu cầu phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh của thương mại cũng như nền kinh tế nói chung.
4. Xác định, phối hợp và thực hiện các biện pháp cải thiện các dịch vụ logistics để thúc đẩy và tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và hợp tác khu vực và hội nhập kinh tế.
5. Bảo đảm sự tiếp cận và hiểu nhất quán các chính sách giữa các bộ, ngành và một khung khổ pháp lý nhất quán cho các hoạt động logistics.
6. Xúc tiến và hỗ trợ các sáng kiến nhằm phát triển và tăng cường ngành Dịch vụ logistics, kể cả các biện pháp được thực hiện liên quan tới khách hàng và cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.
7. Kết nối các bộ, ngành nhằm thúc đẩy việc ứng dụng EDI, thương mại điện tử và các công nghệ có liên quan thông qua việc tạo thuận lợi cho việc cung cấp kết cấu hạ tầng, các tiêu chuẩn và thủ tục hoạt động cần thiết.
8. Tiếp tục quá trình tái cấu trúc và nâng cao quy mô, năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.
9. Xác định các biện pháp góp phần thực hiện việc cắt giảm chi phí logistics và tăng trưởng ngành Logistics.
10. Đề xuất việc học tập và trao đổi kinh nghiệm với các nước về phát triển logistics thương mại; tiến hành công tác hợp tác quốc tế về logistics thương mại khi thực hiện TPP, FTA thế hệ mới.
11. Đề xuất nội dung công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo cán bộ quản lý và của doanh nghiệp trực tiếp cung cấp dịch vụ logistics.
Thành phần và cơ cấu tổ chức:
Thành phần của Ủy ban bao gồm đại diện của các bộ: GTVT, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính (Hải quan), Công an; Văn phòng chính phủ; Công an Biên phòng... và đại diện của các hiệp hội ngành nghề có liên quan như: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam...
Đại diện của các bộ, ngành là cấp thứ trưởng. Để hoạt động của Ủy ban có hiệu lực và hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban là một Phó Thủ tướng (Thái Lan và Malaysia, Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng), hoặc chí ít là Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc Bộ trưởng Bộ GTVT. Đây là bài học được rút ra từ hoạt động của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay. Ủy ban có văn phòng thường trực riêng, có cán bộ chuyên trách và đặt tại Thủ đô Hà Nội. Thường trực Văn phòng Ủy ban là cấp lãnh đạo Tổng cục hoặc Cục, Vụ của Bộ.
Cơ cấu thành phần Ủy ban có thể tham khảo kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Ủy ban điều phối quốc gia về logistics của Thái Lan, Malaysia hay Hàn Quốc.
Hội nghị của Ủy ban: Hội nghị họp ít nhất một quý một lần, hoặc theo yêu cầu cần thiết để xem xét, giải quyết các vấn đề quan trọng về logistics. Các vấn đề kỹ thuật nghiệp vụ liên quan sẽ do bộ phận thường trực và các chuyên gia kỹ thuật, pháp lý của Hiệp hội VLA và Bộ Công thương và Bộ GTVT cung cấp.
Tài chính: Nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban từ đóng góp của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các nguồn tài trợ khác. Cơ quan tổ chức, phối hợp thực hiện là các bộ, ngành liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) và các hiệp hội ngành nghề liên quan khác.
Ủy ban quốc gia hoạt động có hiệu quả sẽ giúp tăng cường quản lý của Nhà nước đối với ngành Dịch vụ logistics, góp phần phát triển nhanh và bền vững Ngành trong điều kiện hội nhập kinh tế của nước ta ngày càng sâu rộng.
KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRONG KHU VỰC
Cơ chế phối hợp phát triển logistics của một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong hệ thống logistics. Sự phát triển logistics cần sự hợp tác của nhiều cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Việc xây dựng chiến lược và chính sách phát triển logistics đòi hỏi quá trình đối thoại liên tục trong các cơ quan và những người được hưởng lợi liên quan. Một cơ chế phối hợp quốc gia có thể tốt hơn là tư vấn từng trường hợp để xúc tiến hợp tác và ra quyết định. Xin nêu cơ chế phối hợp của một số nước trong khu vực để chúng ta tham khảo.
Hàn Quốc: Đạo luật Khung khổ về các Chính sách Logistics quy định việc thành lập Ủy ban các Chính sách Logistics Quốc gia. Ủy ban có vai trò là một cơ quan thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách logistics quốc gia. Ủy ban này đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Đất đai, Vận tải và Hàng hải (MLTM). Các nội dung liên quan bao gồm: Các chính sách liên quan đến việc nâng cao hiệu quả của hệ thống logistics quốc gia; các vấn đề liên quan đến việc phát triển các phương tiện logistics; các chính sách liên quan đến phát triển ngành Logistics và các vấn đề khiếm khuyết do hệ quả của đạo luật, hoặc được Chủ tịch đệ trình lên hội nghị có tầm quan trọng vì lợi ích của ngành Logistics quốc gia. Ủy ban có tới 20 thành viên, Chủ tịch Ủy ban là Bộ trưởng Bộ Đất đai, Vận tải và Hàng hải. Ủy ban còn có các đại diện cao cấp của một số cơ quan chính phủ, như: Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao và Thương mại; Bộ Lao động; Tổng cục Hải quan và cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ủy ban có 3 Tiểu ủy ban là về các Chính sách logistics, Phương tiện logistics và Logistics quốc tế.
Thái Lan: Theo Chiến lược về Logistics của Thái Lan, Ủy ban Logistics quốc gia (NLC) được thành lập năm 2007, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Ủy ban gồm đại diện của một số bộ, ngành như: Thương mại, GTVT, Công nghiệp, Tài chính, Giáo dục, Nông nghiệp, Công nghệ thông tin, Lao động và Cơ quan Phát triển xã hội và Kinh tế quốc gia (NESDB). Khu vực tư nhân được đại diện bởi các hiệp hội và liên đoàn, như Hiệp hội Chủ hàng Quốc gia (NSC), Phòng Thương mại, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan và Hiệp hội các Ngân hàng Thái Lan, ngoài ra còn có 7 chuyên gia do Chính phủ chỉ định. Ủy ban có 3 Tiểu ủy ban: Phát triển Logistics Công nghiệp, Phát triển Logistics Nông nghiệp và Hài hòa dữ liệu.
Ủy ban chịu trách nhiệm về chính sách và quy hoạch cho ngành Logistics; các biện pháp thúc đẩy ngành
Logistics; theo dõi và báo cáo về phát triển logistics; khuyến nghị các biện pháp về tài chính, marketing, nghiên cứu, nguồn nhân lực và chính sách về thuế; khuyến nghị các biện pháp về bảo vệ khách hàng và cải thiện, sửa đổi khung khổ thể chế khi cần thiết. Thái Lan quan tâm phát triển mạng logistics điện tử (E-logistics) và Hải quan điện tử tại các cửa khẩu kết nối với các nước tiều vùng Mê Kông mở rộng.
Malaysia: Malaysia thành lập Đội đặc nhiệm logistics quốc gia (NLTF). Đây là cơ quan Logistics quốc gia do Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì. Có 5 ban giúp việc là Ban Cơ chế và Pháp luật, Ban Thương mại hàng hóa, Ban Kết cấu hạ tầng và Nhu cầu vận chuyển, Ban Cải cách công nghệ thông tin và Ban Phát triển nguồn nhân lực. NLTF có nhiệm vụ thiết kế, thực hiện và giám sát các chương trình hành động được nêu trong Quy hoạch tổng thể tạo thuận lợi cho Thương mại và Logistics (LTFMP) 2015 - 2020. Có 21 Chương trình hành động theo hướng chiến lược nhằm thực hiện để cải thiện toàn diện năng lực sản xuất kết nối tốt hơn với thị trường trong và ngoài nước. Các mục tiêu của LTFMP là phát triển các chiến lược và các hành động nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành Dịch vụ logistics. Phát triển logistics là một nguồn lực phát triển mới cho kinh tế quốc gia và tạo dựng Malaysia thành một trung tâm logistics khu vực.
Hội đồng Phát triển Logistics Quốc gia Malaysia (MNLDC) do Thủ tướng đứng đầu, được thành lập tháng 2/2007. MNLDC hoạt động như là một đầu mối trong việc kết nối các chiến lược,chính sách và quy chế về logistics. Hội đồng có vai trò lãnh đạo các vấn đề liên quan đến phát triển ngành dịch vụ này, hướng các chính sách logistics phù hợp với kế hoạch ngành Công nghiệp (the Industrial Plan) và giúp cho việc cân đối các chiến lược và chính sách phát triển ngành Logistics. Nó cũng giám sát và phối hợp việc thực hiện các chương trình và hoạt động của các bộ, ngành khác có liên quan ở cả cấp độ quốc gia và các bang. Hội đồng gồm đại diện của các bộ, ngành, cơ quan liên quan cũng như đại diện của các hiệp hội và các viện về thương mại và công nghiệp.
Indonesia: Việc thực hiện Kế hoạch Logistics Quốc gia (NLBlueprint) được chia làm một số cấp, cấp cao nhất là Bộ trưởng Điều phối Kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Ủy ban Thúc đẩy và Mở rộng việc Phát triển Kinh tế của Indonesia (2011 - 2025). Chiến lược kinh tế quốc gia này bao gồm một số đội đặc nhiệm xoay quanh 3 chiến lược chính: Nâng cao tiềm năng kinh tế thông qua các hành lang kinh tế, tăng cường mối liên kết quốc gia và tăng cường khả năng nguồn nhân lực và khoa học kỹ thuật quốc gia. Trong ba đội đặc nhiệm thì một đội liên quan đến logistics là Đội Đặc nhiệm Kết nối quốc gia do Thứ trưởng Quy hoạch Phát triển Quốc gia chủ trì. Đội đặc nhiệm Kết nối có trách nhiệm về phối hợp các hoạt động trong các lĩnh vực logistics, vận tải, ICT và phát triển. Đội Logistics Quốc gia hoạt động thuộc nhóm đặc nhiệm này và do Thứ trưởng phối hợp các vấn đề chính sách công nghiệp và thương mại phụ trách. Thành phần các nhóm công tác là đại diện của các bộ, ngành liên quan, các học viên và các nhà hoạt động thực tiễn.
Theo Giao thông vận tải.