Nhìn từ các doanh nghiệp (DN) phân bón lớn niêm yết trên sàn chứng khoán, có thể thấy, DN đang ngày càng thận trọng hơn trong chiến lược, định hướng kinh doanh. Trong đó, cơ cấu lại sản phẩm và tìm đường xuất khẩu là những hướng đi được nhiều DN lựa chọn.
Điểm mặt "đại gia"
Thị trường phân bón Việt Nam hiện đang có 3 "đại gia" trấn giữ ba phân khúc phân đạm (ure), phân lân và phân NPK.
Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí, PVFCco (Mã CK: DPM), có thế mạnh về thị trường phân đạm, được hưởng lợi thế từ việc giá dầu suy giảm, nên việc cạnh tranh về giá bán phân đạm trở nên thuận lợi hơn. Hiện, DPM và Đạm Cà Mau (Mã CK: DCM) đang chiếm khoảng 72% thị phần toàn ngành.
Với tỷ lệ như vậy, DPM hiện được đánh giá đang dẫn dắt thị trường phân đạm. Tại đại hội đồng cổ đông 2016 diễn ra ngày 28/4, DPM đã kiến nghị cổ đông nâng mức cổ tức từ 25% lên 40%. Về kế hoạch sản xuất, DPM cũng đặt mục tiêu năm 2016 đạt 800.000 tấn ure.
Trong khi đó, dẫn đầu thị trường phân lân là Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã CK: LAS), sản lượng tiêu thụ năm 2016 của DN được cải thiện khi giá lưu huỳnh (nguyên liệu sản xuất phân lân) giảm. Với thâm niên gần 54 năm hoạt động trong lĩnh vực phân bón, đến nay, LAS đã sản xuất được hơn 50 loại phân bón và sản phẩm hóa chất.
Đồng thời, đến thời điểm này, LAS là DN duy nhất tại Việt Nam có thể sản xuất được hai loại sản phẩm supe lân và lân nung chảy. Năng suất bình quân của LAS đạt khoảng 830.000 tấn phân supe lân/năm và 750 tấn phân bón NPK/năm cũng như 200.000 tấn phân lân nung chảy/năm. Tính đến nay, LAS là một trong những DN phân bón có sản lượng tiêu thụ lớn nhất nước, đặc biệt là phân lân. Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, sản phẩm của LAS cũng đã xuất khẩu sang thị trường Nhật.
Theo ông Nguyễn Duy Khuyến - Tổng giám đốc LAS, sau 3 năm lên sàn, quy mô hoạt động của Công ty không ngừng được mở rộng, hiện hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có đại lý phân phối sản phẩm của LAS.
Góp mặt trong bộ ba còn có Công ty CP Phân bón Bình Điền (Mã CK: BFC) - đơn vị cũng đang được kỳ vọng sẽ trở thành nhà sản xuất phân bón lớn nhất tại Việt Nam.
Cuối năm 2015, BFC đã đưa nhà máy Bình Điền - Mê Kông, công suất 100.000 tấn/năm vào hoạt động. Đồng thời BFC cũng đưa nhà máy Bình Điền - Ninh Bình, công suất ban đầu là 200.000 tấn/năm vào hoạt động trong tháng 10/2015. Với việc cùng lúc đưa hai nhà máy vào hoạt động, BFC đã nâng tổng công suất từ 675.000 tấn phân bón/năm lên 975.000 tấn phân bón/năm.
Hiện tại, BFC sở hữu một nhà máy chính Bình Điền - Long An, ba công ty cổ phần (gồm Công ty CP Bình Điền - Lâm Đồng, Công ty CP Bình Điền - Quảng Trị, Công ty CP Bình Điền, Mê Kông) và chi nhánh tại Ninh Bình.
Đến thời điểm này, BFC sản xuất được trên 100 mặt hàng các loại gồm phân NPK chuyên dùng, NPK TE cao cấp, NPK thông dụng, phân khoáng hữu cơ và phân bón lá. Các sản phẩm này thuộc nhóm phân bón dạng hạt và phân bón dạng ba màu, phân dạng bột, phân dạng nước.
Cơ cấu lại sản xuất và xuất khẩu
Tại đại hội đồng cổ đông vừa qua, đại diện PVFCco đưa ra nhận định thị trường phân bón Việt Nam nói chung và phân đạm nói riêng không mấy khả quan so với 2015, dù giá nguyên liệu đầu vào giảm. Năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước dự báo đạt gần 9 triệu tấn, vẫn thấp hơn nhu cầu (khoảng 11 triệu tấn).
Trong bối cảnh giá phân đạm thế giới giảm theo giá dầu, hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN không phải chịu thuế nhập khẩu (chủ yếu từ Malaysia và Indonesia) có thêm cơ hội đổ vào Việt Nam, dẫn đến cạnh tranh ở thị trường này càng khốc liệt. Bên cạnh đó, nhu cầu nội địa của Trung Quốc giảm và nước này tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Đầu tháng 1/2016, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã thống nhất hủy bỏ dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền II tại Cụm Công nghiệp Thiện Tân, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Sự việc trên đã bị cổ đông chất vấn tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 vào ngày 27/4 vừa qua.
Theo giải thích của ông Lê Quốc Phong - thành viên HĐQT, Tổng giám đốc BFC, DN cân đối giữa lợi ích và chi phí nên quyết định ngưng dự án. Ông Phong cũng cho hay, thời gian tới DN cũng nhắm đến việc khai thác thị trường Thái Lan - thị trường được đánh giá là sản phẩm phân bón chuyên dụng đang còn thiếu.
Ngoài ra, đại diện BFC còn cho biết thêm, năm 2015, sản lượng xuất của BFC nhỏ hơn sản lượng nhu cầu của thị trường, nhưng cuối cùng hàng tồn kho vẫn tăng do thời tiết ảnh hưởng đến tiêu thụ.
Theo đó, phía BFC cũng dự báo, giá phân bón năm 2016 sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do sản xuất phân đạm thì phụ thuộc giá dầu, phân DAP thì phụ thuộc thị trường tiêu thụ và sản xuất của một số nước... Do đó, BFC chỉ đặt chỉ tiêu sản xuất năm 2016 tăng khoảng 11,15%. Mức tăng này thấp hơn so với niên vụ 2014 - 2015 khoảng 6%.
Thông tin từ đại hội đồng cổ đông 2016 của Công ty CP DAP - VINACHEM cũng cho hay, sản phẩm DAP Đình Vũ năm 2015 tiêu thụ khó khăn, sản lượng sụt giảm. Nếu không tính Nhà máy DAP số II tại Lào Cai thì ngành phân bón Việt Nam chỉ có một DN sản xuất DAP với công suất 330.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, tháng 11/2015, Nhà máy DAP số II (thuộc Công ty CP DAP số II-VINACHEM) đi vào hoạt động, nguồn cung gia tăng và ngay lập tức việc tiêu thụ gặp khó khăn. Ông Lâm Thái Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP DAP - VINACHEM cho hay, cuối năm 2015, nhu cầu phân bón thị trường trong nước sụt giảm, trong khi nguồn cung phân bón DAP lại tăng đột biến không chỉ từ sản phẩm của Công ty CP DAP số II - VINACHEM mà còn từ nhập khẩu.
Để đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho, bên cạnh việc tiêu thụ trong nước, các DN trong ngành đã tính đến bài toán xuất khẩu. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn. Chẳng hạn, Myanmar trong quý I-2016 nhập khẩu khoảng 3,4 triệu USD phân bón từ Việt Nam; con số tương ứng ở Lào là khoảng 2 triệu USD.
Góp mặt ở các thị trường xuất khẩu có Đạm Phú Mỹ, Phân bón Bình Điền, Công ty CP Quốc tế Năm sao... Đạm Phú Mỹ, năm 2016, Ban lãnh đạo Công ty đã đặt mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu ure Phú Mỹ sang thị trường Malaysia, Myanmar, Thái Lan - những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn về chất lượng, tính cạnh tranh về giá cũng như đa dạng trong đóng gói.
Hiện tại, ở thị trường Myanmar, Đạm Phú Mỹ và Công ty Phân bón Bình Điền cũng đã có mặt, trong khi Campuchia vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của các DN phân bón Việt Nam, chiếm đến 42,6% tổng sản lượng phân bón xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn các biểu đồ về xuất khẩu, nhập khẩu phân bón Việt Nam, có thể thấy một thực trạng đáng buồn: trong khi nhập khẩu ngày càng tăng thì xuất khẩu lại ngày càng giảm.
Theo Doanh Nhân Sài Gòn