Cùng với việc không quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất bỏ vai trò của Hiệp hội cá tra trong xuất khẩu khi sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Gỡ vướng mắc...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay có 4 tỉnh ĐBSCL đã có quy hoạch nuôi cá tra, 5 tỉnh ban hành quy hoạch trong quý 2/2016, 1 tỉnh thực hiện theo quy hoạch cũ; 9/10 tỉnh đã cấp mã số nhận diện cho các ao nuôi nằm trong vùng quy hoạch.
Việc thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP mặc dù đã cơ bản kiểm soát các khâu trong chuỗi giá trị cá tra nhưng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quy định về hàm ẩm, tỷ lệ mạ băng và kiểm soát hợp đồng xuất khẩu đã gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thực tế đạt kết quả rất thấp. Điều 6 Nghị định 36/2014/NĐ-CP quy định “tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%” và “hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm”.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các quy định trên là không thích hợp với tính đa dạng của các mảng và phân khúc thị trường khác nhau, khiến các doanh nghiệp cá tra Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm cá thịt trắng khác trên thế giới. Mặc dù các doanh nghiệp (DN) đã “kêu về vấn đề này nhiều lần, nhưng Bộ vẫn giữ nguyên quan điểm”.
Nay trong lần sửa đổi nghị định này, Bộ NN&PTNT thừa nhận, Điều 6 Nghị định 36 quy định tỉ lệ mạ băng và hàm lượng nước không vượt quá tương ứng là 10% và 83% trong sản phẩm cá tra phi lê đã gây nhiều tranh luận và chưa thống nhất.
Hiện nay, các thị trường EU và Hoa Kỳ chỉ yêu cầu khai báo trọng lượng tịnh và người tiêu dùng chỉ quan tâm đến trọng lượng sản phẩm. Các nước thuộc khối EU và Hoa Kỳ cũng không quy định cụ thể hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê, nhưng EU yêu cầu phải ghi rõ tỷ lệ nước bổ sung vào sản phẩm cá tra phile trên nhãn mác bao bì.
Như vậy, quy định về hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng cần có điều chỉnh để thích ứng với yêu cầu của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo giữ gìn uy tín của sản phẩm cá tra Việt Nam.
... theo hướng “lắng nghe” thị trường
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ NN&PTNT không đưa quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra và chuyển nội dung quy định thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (có dự thảo kèm theo) để phù hợp với Luật Đầu tư sửa đổi, tạo sự thông thoáng đáp ứng theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện cho thương nhân chủ động trong xuất khẩu sản phẩm cá tra theo yêu cầu đặc thù của từng thị trường nhập khẩu.
Theo đó, Bộ đề xuất quy định điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra chế biến cụ thể là: Một, cá tra nguyên liệu dùng chế biến phải được nuôi từ sơ sở nuôi cá tra thương phẩm đáp ứng điều kiện quy định; Hai, sản phẩm cá tra chế biến phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản của Việt Nam và nước nhập khẩu (trường hợp nước nhập khẩu có quy định khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định của nước nhập khẩu); Ba, việc ghi nhãn sản phẩm cá tra phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với quy định của nước nhập khẩu (trường hợp nước nhập khẩu quy định ghi nhãn sản phẩm cá tra khác với pháp luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu).
Đồng thời, dự thảo cũng bãi bỏ quy định về thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra. Thay vào đó, Bộ NN&PTNT đề xuất cơ chế cung cấp thông tin xuất nhập khẩu sản phẩm cá tra do Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) quản lý, gửi các Bộ ngành theo biểu bảng báo cáo thống kê.
Theo Báo Pháp luật Việt Nam