Là một xu thế tất yếu góp phần giải quyết được nhiều thách thức của ngành vận tải, nhưng cuộc chơi của các sàn giao dịch vận tải không hề dễ dàng.
Nền kinh tế chia sẻ hoạt động nhờ tận dụng những nguồn lực nhàn rỗi. Nổi tiếng nhất có lẽ là dịch vụ taxi Uber với giá trị lên đến 62,5 tỉ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dù theo sau, song mô hình kinh tế này cũng đã phát triển thành những hình thái gần gũi hơn như “xe ôm”, giao hàng, vận tải hành khách... Cuối năm ngoái, xe vận tải hàng hóa chính thức bước vào cuộc chơi này, tận dụng tính nhàn rỗi của các phương tiện vận tải hàng hóa thông qua một mô hình chưa có tiền lệ: sàn giao dịch vận tải.
Không đơn thuần chỉ tận dụng nguồn lực nhàn rỗi, nếu được hiện thực hóa thành công, sàn giao dịch vận tải sẽ giải được không ít bài toán khó về thực trạng thị trường logistics hiện tại. Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan) của Việt Nam chiếm từ 20-25% GDP. Con số này rất cao nếu so với các nước trong cùng khu vực như Thái Lan 6%, Malaysia 12% và gấp 3 lần Singapore. Theo ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam, chi phí logistics cao là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm tăng giá sản phẩm và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường.
Đáng nói, tỉ lệ xe chạy rỗng chiếm tới 30-50% do công tác tổ chức, quản lý còn yếu. Các chuyến xe chở hàng thường chỉ đầy chiều đi mà trống chiều về. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vận tải giao thông số 2, hiếm nước nào có xe tải chở hàng chạy suốt 2.000 km từ Nam ra Bắc mà có tải trọng thấp, lượng hàng ít như Việt Nam. Trong khi các loại hình vận tải đường biển, đường sắt chưa phát triển thì áp lực vận tải lên đường bộ càng nặng nề hơn.
Hiện trạng xe chạy rỗng không chỉ là bài toán khó với các đơn vị vận tải truyền thống. Giaohangnhanh.vn, một đơn vị chiếm thị phần lớn trong ngành vận tải hàng hóa của thương mại điện tử, cũng gặp phải tình trạng tương tự. Theo đại diện của công ty này, chi phí cho một chuyến giao hàng sẽ tiết giảm được 30-40% nếu xe không phải chạy rỗng ở chiều về.
Trong nhiều phương án được đưa ra để hiện đại hóa quản lý vận tải đường bộ, thì giải pháp sàn giao dịch vận tải sớm thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư. Sàn là nơi “chủ hàng” đăng tin về món hàng cần vận chuyển, còn các “chủ xe” có phương tiện vận tải đăng ký nhu cầu tìm hàng để vận chuyển. Nếu thấy đối tác phù hợp, thông qua sàn, hai bên sẽ liên hệ và đàm phán thực hiện hợp đồng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giúp giảm lượng xe chạy rỗng, cước vận chuyển, giảm lượng xe chạy trên đường, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Trên sàn, thông tin về các chủ hàng và chủ xe đều được mã hóa để đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh. Đơn vị tổ chức sàn đóng vai trò trung gian tư vấn, kết nối hợp đồng, tổ chức đấu thầu để hợp đồng vận tải được thực hiện với chi phí thấp nhất, đồng thời giám sát quá trình vận tải (nếu có theo cam kết với khách hàng) để thu về lợi nhuận. Trên sàn, đăng ký thành viên, đăng tin, mời thầu… đang được miễn phí trong giai đoạn thí điểm.
Hành lang pháp lý cho mô hình sàn giao dịch vận tải phát triển theo quy định về thương mại điện tử vốn đang khá dễ thở cho các doanh nghiệp. Sau Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải về xã hội hóa 100% các sàn giao dịch vận tải, nhiều doanh nghiệp đã đề xuất thành lập sàn như Tập đoàn Viettel, VNPT, Công ty Hanel. Thế nhưng đến nay, sàn gần như duy nhất đang hoạt động là Vinatrucking, mô hình thí điểm được Công ty Thương mại điện tử Vinh Hiển đầu tư và vận hành.
Mô hình sàn giao dịch vận tải được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả vận chuyển của doanh nghiệp. Ảnh: Sơn Phạm
Người mở đường luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo dõi trên sàn Vinatrucking, đang có 34 đơn hàng cần vận chuyển, trong khi lượng xe tìm hàng lại lên đến 281 chuyến. Sau hơn nửa năm hoạt động, có 62 giao dịch thực hiện thành công. Đây là một con số còn rất khiêm tốn. Thừa nhận khó khăn lớn nhất mà sàn giao dịch vận tải chưa hoạt động được đúng với tiềm năng, ông Trần Hữu Bình, Phó Giám đốc Vinatrucking, cho biết, khách hàng là các chủ xe và chủ hàng chưa tin tưởng vào một mô hình mới, hoặc nhiều doanh nghiệp vận tải hay có nhu cầu vận tải chưa biết về sự tồn tại của loại hình này.
Vì còn sơ khai, nhiều doanh nghiệp vận tải dù lên sàn nhưng vẫn chỉ cung cấp một mức giá chiếu lệ để dè chừng lẫn nhau hoặc để khảo giá đối thủ, do đó luôn cao hơn giá dịch vụ nếu liên hệ trực tiếp. Điều này làm cho sàn chưa có sức cạnh tranh về giá so với cách làm truyền thống mà các chủ hàng và chủ xe vẫn quen làm trước đây như gặp mặt trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại.
Một chuyên gia trong ngành vận tải từng xây dựng mô hình cho một hãng taxi lớn của Việt Nam nhận định sàn giao dịch vận tải hiện tại chưa được “làm tới” về yếu tố công nghệ. Ngoài việc tạo một nền tảng kết nối 2 chủ xe và chủ hàng, sàn cần xây dựng một lượng khách hàng đủ lớn để có được mức doanh thu đủ bù vào chi phí hoạt động vì bản chất của mô hình này là lượm bạc lẻ.
Một doanh nghiệp vận tải nội địa cho biết, các doanh nghiệp logistics nước ngoài dù chỉ chiếm 20% trong tổng số các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động lại đang xử lý hết 80% đơn hàng trong nước. Các công ty này cũng tìm cách đưa tình trạng hoạt động của hệ thống lên “online”, vô hình chung lại là đối thủ của mô hình sàn. Vì vậy, khó mà thuyết phục được các doanh nghiệp logistics đang nắm những miếng bánh lớn lẫn các doanh nghiệp logistics quy mô vừa và nhỏ bước vào cuộc chơi chung mới tạo được lợi thế cạnh tranh lâu dài cho sàn giao dịch vận tải.
Cũng chính công nghệ là nền tảng liên thông các chủ thể trong sàn giao dịch vận tải để tình trạng xe và đơn hàng được cập nhật nhanh nhất, từ đó đơn hàng sẽ được thực hiện tự động trong thời gian ngắn nhất, chứ không chỉ thực hiện thủ công và có xác suất thành công thấp như hiện nay. Có nền tảng công nghệ rồi, thuyết phục các hãng xe với hàng trăm nghìn tài xế hiểu và sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh để cập nhật thời gian thực tình trạng phương tiện vận tải cũng không hề dễ dàng.
Ngay cả những sàn giao dịch vận tải đang hoạt động thành công tại Singapore và Hồng Kông, nơi 70-80% lưu lượng hàng hóa vận tải được xử lý qua sàn cũng phải mất gần 10 năm để tạo niềm tin và xây dựng thói quen với khách hàng. Là một xu thế tất yếu góp phần giải quyết được nhiều thách thức của ngành vận tải, thế nhưng hướng đi và nhiệm vụ mà các chủ đầu tư mô hình sàn phải làm được không hề dễ. Để mô hình này phát triển được đúng tầm là một cuộc cách mạng trong vận tải hàng hóa nội địa và dần dần trong xuất nhập khẩu.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư.