|
Chiều 27-8, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban ngành GTVT 12 tỉnh duyên hải miền Trung – Tây Nguyên. Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 5 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông và các công trình trọng điểm của các địa phương được quan tâm đầu tư, tạo diện mạo mới cho khu vực. Điển hình như hạng mục nâng cấp QL1A, 18, 20, đường Hồ Chí Minh, đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, hầm đường bộ đèo Cả... Tính đến thời điểm này, tổng chiều dài đường bộ trong khu vực là hơn 57.200km, trong đó tuyến quốc lộ hơn 4.600km, đường tỉnh 4.420 km, đường huyện 9.644 km, đường đô thị 3.248 km; mật độ đường so với diện tích là 0,63 km/km2 (cả nước là 0,88 km/km2). Hệ thống cảng biển của khu vực có 8 cảng (4 cảng loại 1 và 4 cảng loại 2), đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển vận tải đường thủy thì ngành hàng không có 8 sân bay (3 sân bay quốc tế, 5 sân bay nội địa), nhiều sân bay được đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay và nhà ga hành khách; tần suất các chuyến bay cao, đáp ứng tốt cho nhu cầu đi lại của hành khách trong nước và quốc tế.
Dịp này, ngành GTVT các tỉnh, TP cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót cần khắc phục, đó là: Hệ thống GTVT trong khu vực tuy đầy đủ các phương thức vận tải, song chưa đồng bộ, thiếu tính đa dạng. Tuyến đường sắt đi Tây Nguyên còn thiếu nên chưa phát huy được nhiều lợi thế liên kết vùng, cần phải quan tâm đầu tư, mà trước mắt là nghiên cứu, xây dựng đường sắt tuyến Đắc Nông - Chơn Thành, Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành GTVT khu vực là phải bắt tay nhau cùng xúc tiến tìm kiếm cơ chế đầu tư các công trình trọng điểm để tạo bước đột phá mới, như: Dự án xây dựng đường Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang trên cơ sở tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp các tuyến đường thuộc hành lang Đông – Tây, nhằm kết nối các cảng biển duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên và các cửa khẩu của Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ rằng, trên thực tế hiện nay, hệ thống cảng biển của các tỉnh duyên hải miền Trung thừa khả năng đáp ứng yêu cầu vận tải hàng hóa, nhưng tính liên kết tổ chức vận tải, phát triển cảng biển, logistics còn nhiều yếu kém. Cũng vì tồn tại đó, giao thông đường bộ lâu nay lâm cảnh quá tải trầm trọng. Thứ trưởng yêu cầu ngành GTVT các địa phương phải nghiên cứu phát triển thêm các tuyến hàng hải nội địa để đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Điển hình như, cần triển khai hoàn thiện các dự án quan trọng tại Đà Nẵng như dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu; hay nâng cấp cảng Vũng Rô (Phú Yên), cải tạo nâng cấp cảng Ninh Chữ (Ninh Thuận)... Tất cả các cảng này phải đầu tư để trở thành cảng hàng hóa tiếp nhận tàu có trọng tải từ 1.000 tấn trở lên.
Với đường hàng không, đến năm 2020 phải phấn đấu đạt công suất khai thác 11-13 triệu khách/năm đối với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; cảng Cam Ranh (5,5 triệu khách/năm); nâng cấp cảng hàng không Liên Khương thành cảng hàng không quốc tế với công suất 1,23 triệu khách/năm; tiếp tục đầu tư nâng cấp kỹ thuật; mở rộng các cảng hàng không Phù Cát, Tuy Hòa... phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách cũng như khâu vận chuyển hàng hóa ngày một nhiều.
“Tôi lưu ý, trong liên kết vùng, ngành GTVT cần phải tiên phong đi trước mở đường. Vì vậy, các địa phương duyên hải miền Trung – Tây Nguyên phải phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là khâu quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Cụ thể, mỗi địa phương khi lập quy hoạch, cần có sự tham vấn của các tỉnh, thành phố lân cận để có phương án quy hoạch khả thi, rồi mới bắt tay nhau đầu tư, phát triển hợp lý, nhất là việc thống nhất vị trí triển khai dự án, quy mô kết nối. Có như vậy mới tạo rõ tính đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của vùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của cả nước” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh.
Theo Cadn.com.vn
|