Ngành logistics Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh trong hội nhập, nhưng để có thể “bùng nổ” thì cần phải nỗ lực vượt qua rất nhiều thách thức.
Chi phí logistics Việt Nam quá cao
Theo TS. Trần Thăng Long (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải với đường bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Mỗi năm chi phí logistics (bao gồm chi phí vận tải, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác…) ở Việt Nam chiếm khoảng 21-25% GDP (tương đương 37- 40 tỉ USD), cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Thái Lan. Tuy nhiên, 30-35 tỉ USD trong số đó đã thuộc về các doanh nghiệp ngoại.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics, chủ yếu làm nhiệm vụ giao nhận, vận tải, kho bãi, cảng biển, bốc xếp, phân phối, đại lý, thủ tục hải quan, các dịch vụ logistics tích hợp… Tuy vậy, vẫn có đến 72% trong số này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (quy mô vốn từ 4 - 6 tỷ đồng), chỉ có 5-7% nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, còn lại là do doanh nghiệp tự đào tạo.
Các công ty trong nước phần lớn chỉ hoạt động trong một phân khúc nhỏ của ngành như dịch vụ giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ... Đa phần các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển… “Bức tranh thị phần đã phản ánh trung thực, cân đối với năng lực và vốn đầu tư mà doanh nghiệp Việt bỏ ra”- TS. Trần Thăng Long đánh giá.
Những năm qua, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Nhưng chi phí hoạt động logistics của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ cao (ở các nước phát triển, chi phí logistics chỉ chiếm 7 - 10% GDP) trong GDP cả nước, gây lãng phí nhiều nguồn lực trong nước.
Do vậy, việc giảm chi phí logistics sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập. Trước thực trạng này, mới đây, Bộ Công Thương công bố Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, với chi phí logistics giảm xuống tương đương 18% GDP.
Đánh giá về bức tranh ngành logistics Việt Nam hiện nay, TS. Trần Thăng Long cho rằng, việc phân chia thị phần là tất yếu bởi nó là sự kết nối toàn cầu. Chi phí vận tải chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là vận tải quốc tế. Do vậy, xét một cách tổng quan, thị phần cần đặt trong bối cảnh là thị phần nào doanh nghiệp Việt đáng phải chiếm, thị phần nào nên thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Trong thời gian tới, khi TPP chính thức được ký kết với hàng nghìn dòng thuế về 0% hứa hẹn sự phát triển sôi động của hoạt động xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Đây được coi là cơ hội lớn cho ngành logistics “bùng nổ”.
Quản lý chồng chéo, nhân lực thiếu chuyên nghiệp
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chưa thực sự tìm được tiếng nói chung với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong khi đó, các công ty xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp FDI hoặc là công ty làm gia công nên khâu giao nhận thường giao cho các công ty quốc tế triển khai. Hiếm có cơ hội để các công ty Việt Nam tham gia vào chuỗi logistics toàn cầu.
“Hệ thống Logistics Việt Nam từ thể chế pháp luật Logistics, cơ sở hạ tầng Logistics, doanh nghiệp Logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chưa được hình thành và phát triển, trong khi các thành viên TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Singapore… có một hệ thống Logistics phát triển ở trình độ cao và đang bước vào thời kỳ phát triển hệ thống Logistics xanh. Đây là trở ngại cho sự phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên cả thị trường trong nước, quốc tế, đặc biệt là khó khăn cho thương mại dịch vụ trong hội nhập thị trường TPP”- Đánh giá trong nghiên cứu “Hiệp định TPP- Cơ hội và thách thức với lĩnh vực thương mại dịch vụ của Việt Nam” của GS.TS. Đặng Đình Đào và cộng sự tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Nói về điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, TS. Trần Thăng Long cho rằng, chính là nguồn nhân lực bị thiếu hụt, chưa qua đào tạo nên mức độ chuyên nghiệp còn kém. Bên cạnh đó, lực cản lớn nữa là công nghệ thông tin của Việt Nam còn kém và lúng túng, kể cả bên cung cấp lẫn người sử dụng dịch vụ. Do đó, chi phí còn cao và chưa hiệu quả. Ngoài ra, do cơ sở pháp lý chưa rõ ràng nên rất khó để hình thành những dự án đầu tư đầy đủ trong ngành logistics.
TS. Nguyễn Thái Sơn (Trường Đại học Hải Phòng) thì cho rằng, khi Hiệp định TPP thành hiện thực sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa giữa các nước thành viên, mở ra những triển vọng phát triển mạnh mẽ cho logistics. Tuy nhiên, rất nhiều khó khăn đặt ra cho ngành logistics Việt Nam để có thể đón nhận những cơ hội đó. Chẳng hạn, doanh nghiệp nội chịu sức ép cạnh tranh từ các hãng logistics toàn cầu, luôn hơn hẳn về năng lực tài chính, công nghệ, chất lượng dịch vụ…
Hơn nữa, theo TS. Sơn, đa phần doanh nghiệp logistics Việt Nam mới chỉ đảm nhận vai trò vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài, chưa tạo thành một chuỗi liên tục trong chuỗi cung ứng; thường quản lý thủ công, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp.
Đặc biệt, theo TS. Sơn, việc quản lý các hoạt động logistics của Việt Nam không nhất quán, còn chồng chéo. Mỗi bộ quản lý một khâu đoạn như thuế và hải quan do Bộ Tài chính quản lý, vận tải và hạ tầng do Bộ Giao thông Vận tải, xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phụ trách…
Phải lượng sức và chủ động tăng năng lực
Để phát triển ngành Logistics Việt Nam khi tham gia TPP, TS. Sơn khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công liên quan tới vận tải, giao nhận; hiện đại hóa hạ tầng vận tải và logistics; triển khai đào tạo nhân lực logistics chuyên nghiệp.
Doanh nghiệp logistics cần đánh giá và nhận thức đúng thực trạng của doanh nghiệp mình. Từ đó khắc phục các điểm yếu, phát huy điểm mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp logistics cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, tạo ra những liên kết đủ lớn tham gia vào thị trường, hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đủ sức để thực hiện chuỗi dịch vụ logistics hoàn chỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để hình thành chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu suất hoạt động.
Doanh nghiệp logistics cần xác định chính xác phân khúc thị trường của mình. Cần sẵn sàng và chủ động tham gia làm đại lý hoặc nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh, “gia công” dịch vụ cho các công ty logistics toàn cầu để thực hiện các công đoạn nội địa. Đây là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để từng bước tham gia thị trường, học hỏi kinh nghiệm, cách làm việc, công nghệ của các công ty nước ngoài. Trong việc tiếp cận các doanh nghiệp FDI, cần tìm thị trường ngách, các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ để cung ứng dịch vụ với mức chi phí phù hợp với họ.
GS.TS. Đặng Đình Đào và cộng sự tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thì đề nghị: Việt Nam cần có hẳn một cơ quan để quản lý ngành này, cũng như xây dựng chương trình quốc gia phát triển ngành logistics. Đồng thời, “kho ngoại quan và trung tâm logistics khu công nghệ cao” là trung tâm phát triển cung cấp dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng và cung cấp logistics trọn gói bên thứ 3 (3PL). Mấu chốt trong triển khai vận tải là công ty phải xây dựng được các cảng thông quan nội địa (ICD). ICD là nơi tập kết hàng hóa xuất từ các chủ hàng, đóng thành container rồi sau đó chuyển ra cảng. Hoặc theo chiều ngược lại là nhận hàng nhập từ cảng, dỡ hàng khỏi container và vận chuyển đến người nhận./.
Theo VOV.