Tận dụng được khoảng không trong các container, lại phát triển được kinh tế, các sinh viên tại Anh đã cho ra đời dự án chống lãng phí cho ngành vận tải biển.
90% lượng hàng hóa trên thế giới hiện được vận chuyển qua đường biển, đa phần từ châu Á tới các khu vực khác trên thế giới. Song sự sụt giảm cũng như mất cân bằng thương mại toàn cầu đã khiến những container bỏ không một cách lãng phí khi đã hoàn thành việc giao hàng.
Nhận thấy đây là một cơ hội tốt khi vừa tận dụng được khoảng không bên trong các container, lại phát triển được kinh tế, các sinh viên từ Cao đẳng nghệ thuật Hoàng gia Anh đã cho ra đời một dự án mang tên Grow Frame.
Dự án Grow Frame chủ yếu trồng những loại cây phù hợp với môi trường thủy canh. Do đó, chỉ cần những túi nước có chứa chất dinh dưỡng và hệ thống đèn LED điều chỉnh ánh sáng đã có thể biến những con tàu chở hàng thành vườn cây di động trên biển. Chỉ mất từ hai đến 3 tuần để thu hoạch sản phẩm, bằng đúng thời gian một tàu hàng từ Anh trở về Trung Quốc.
"Những loại cây trồng như rau chân vịt, bắp cải và rau diếp rất dễ sinh trưởng, lại cho năng suất cao. Những rau này lại hấp thụ CO2, vậy nên tôi đã kết hợp trồng cả nấm để chúng thải khí CO2, về cơ bản chẳng cần chăm sóc gì mà vẫn có sản phẩm để thu hoạch" - anh Philippe Hohlfecd, thành viên dự án Grow Frame chia sẻ.
Chi phí thuê chở hàng mà các công ty phải trả là 5.000 USD/ngày, nhưng nếu tận dụng chính những container bỏ không, không chỉ các công ty cung cấp, mà ngay cả các hãng vận tải cũng thu về được lợi nhuận.
Hiện, dự án Grow Frame đang trong quá trình gọi vốn, dự kiến chi phí để có lô hàng đầu tiên là khoảng 20.000 USD. Thế nhưng anh Philippe tin tưởng rằng, mô hình độc đáo này sẽ là lời giải cho nhiều hãng vận tải biển, trước dự báo thiệt hại khoảng 6 tỷ USD trong năm nay do thương mại toàn cầu sụt giảm.
Theo VTV