Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 8-2016 đạt hơn 223,55 tỷ USD, tăng 3,3%, tương ứng tăng hơn 7,13 tỷ USD so với 8 tháng năm 2015.
Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8 năm 2016 (từ 16-8-2016 đến 31-8-2016) đạt gần 16,9 tỷ USD, tăng 14,4%, tương ứng tăng hơn 2,12 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 8/2016. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch gần 11,06 tỷ USD, tăng 15,8% tương ứng tăng hơn 1,51 tỷ USD so với nửa đầu tháng 8-2016.
Trong kỳ 2 tháng 8-2016 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư 849 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước từ đầu năm đến hết tháng 8-2016 thặng dư gần 2,87 tỷ USD.
Trong 8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt hơn 143,94 tỷ USD, tăng 4,9% tương ứng tăng gần 6,75 tỷ USD so với 8 tháng năm 2015 và chiếm 64,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8/2016 đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 22,3% (tương ứng tăng hơn 1,62 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 8-2016.
Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 8 tăng so với kỳ 1 tháng 8-2016 chủ yếu do tăng/ giảm ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 22,6%, tương ứng tăng 295 triệu USD; hàng dệt may tăng 26,7%, tương ứng tăng 292 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 33,3%, tương ứng tăng 139 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,3%, tương ứng tăng 115 triệu USD; hàng thủy sản tăng 28,9%, tương ứng tămg 86 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 31,7%, tương ứng tăng 85 triệu USD; ...
Ở chiều ngược lại chỉ một số ít các nhóm hàng có kim ngạch giảm như Clanhke và xi măng giảm 40,3%, tương ứng giảm 12 triệu USD; sắm và các sản phẩm từ sắn giảm 12,4%, tương ứng giảm 5 triệu USD; ...
Như vậy, tính đến hết tháng 8-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 113,21 tỷ USD, tăng 6,4% tương ứng tăng hơn 6,82 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 8-2016 đạt hơn 6,21 tỷ USD, tăng 22,7% tương ứng tăng hơn 1,15 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 8-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2016 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 78,97 tỷ USD, tăng 9,3% tương ứng tăng gần 6,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 69,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 8-2016 đạt gần 8,03 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 504 triệu USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 8-2016.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 8-2016 tăng so với kỳ 1 tháng 8-2016 chủ yếu do tăng, giảm ở một số nhóm hàng sau: thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 79,4% tương ứng tăng 113 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,5% tương ứng tăng 105 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 51,5%, tương ứng tăng 63 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,5%, tương ứng tăng 58 triệu USD; ....
Ở chiều ngược lại sắt thép các loại giảm 14,8%, tương ứng giảm 52 triệu USD; hạt điều giảm 21,3%, tương ứng giảm 25 triệu USD; than đá giảm 42,8%, tương ứng giảm 22 triệu USD; ...
Như vậy, tính đến hết tháng 8-2016, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 110,34 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3% (tương ứng tăng 311 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 2 tháng 8 đạt gần 4,85 tỷ USD, tăng 8,1% tương ứng tăng 361 triệu USD so với kỳ 1 tháng 8-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đến hết tháng 8-2016 đạt gần 64,97 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% tương ứng tăng 49 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 58,9% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.
Theo Báo Hải Quan