Ngày 19/9, một tấn xoài đầu tiên của Việt Nam chính thức có mặt tại thị trường Australia – một quốc gia nổi tiếng có quy định kiểm dịch thực vật chặt chẽ nhất thế giới nên việc xoài Việt có thể xuất khẩu vào Australia là bước tiến rất đáng ghi nhận và mở ra nhiều cơ hội giao thương quan trọng.
Thông thường, xoài muốn xuất khẩu vào Australia phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng. Các cơ sở đóng gói cũng cần được cấp mã số. Công tác chiếu xạ sản phẩm trước khi xuất khẩu được Cục Bảo vệ thực vật giám sát chặt chẽ. Khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, Cục sẽ cấp giấy kiểm dịch thực vật cho từng lô hàng xuất khẩu.
Theo thông tin do Thương vụ Việt Nam tại Australia cung cấp, để có thể xuất khẩu vào Australia, xoài sản xuất tại Việt Nam phải phù hợp với các điều kiện và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của phía nước đối tác; phải được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trùng, các cơ sở đóng gói cũng phải được cấp mã số. Công tác chiếu xạ sản phẩm được tiến hành bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400 Gy tại một cơ sở xử lý được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt. Lô hàng không được có côn trùng và bệnh dịch (trừ những loại mà sẽ bị trung hoà sau khi chiếu xạ). Các lô hàng cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm rác như lá, cành cây, đất, hạt cỏ dại, những mảnh vụn, và các loại thực vật khác.
Thêm nữa, lô hàng phải được đóng gói an toàn tại gốc trước khi chiếu xạ. Một trong những lựa chọn đóng gói an toàn sau đây phải được sử dụng: Đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi; thùng có lỗ thông hơi thì kích cỡ lỗ không quá 1,6 mm và độ dày của lưới không ít hơn 0,16 mm; hoặc là các lỗ thông hơi có thể được dán lên trên.
Container phải được kiểm tra bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập.
Ngoài ra, lô hàng phải được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên; không được phép chuyển tiếp bằng đường hàng không hoặc đường bộ (ví dụ chuyển lô hàng bằng đường hàng không hoặc đường bộ trong nước Australia) cho đến khi lô hàng được kiểm dịch thông quan.
Sau xoài, thanh long là mặt hàng tiếp theo có khả năng lớn xâm nhập vào thị trường Australia. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia đã hoàn thành bản dự thảo đối với việc nhập khẩu thanh long từ Việt Nam và bản dự thảo đang được lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhiều đơn vị, tổ chức liên quan trước khi trình Chính phủ.
Theo bản dự thảo, Australia sẽ cho phép nhập khẩu tất cả các loại thanh long được trồng ở các vùng miền của Việt Nam, miễn là các sản phẩm này phù hợp với tiêu chuẩn an toàn sinh học của Australia./.
Theo Pháp luật Việt Nam