Sau khi ngộp thở về phí của các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường bộ, sắp tới, nhiều doanh nghiệp vận tải có thể phải đối mặt với các loại phí của dự án BOT đường thủy.
Cụ thể, sau một vài dự án BOT đường thủy được cấp phép, nhiều dự án khác cũng đang xin được cải tạo các tuyến sông ngòi kênh rạch tự nhiên để thu phí tàu thuyền qua lại.
Theo tìm hiểu, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) đến cảng Bến Súc (Bình Dương) chuẩn bị hình thành và sẽ đưa vào thu phí trong năm 2017.
Kế đó, dự án cải tạo nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang, Long An) giai đoạn 2 (thu phí) cũng chuẩn bị được cấp phép. Ngoài ra, trong vài năm tới, Bộ GTVT có kế hoạch cấp phép các dự án cải tạo, nâng cấp sông ngòi khác như dự án ở luồng sông Trà Lý (Thái Bình), luồng Định An, luồng Hàm Luông (Trà Vinh) hay tuyến sông Việt Trì-Yên Bái…
Lợi ích và việc làm tất yếu là các tuyến sông ngòi kênh rạch phải đường cải tạo, khơi thông khi sử dụng vì quá trình bồi đắp tự nhiên của nhiều tuyến sông ngòi.
Đặc biệt, trong khi ngân sách nhà nước để chi cho các dự án trên còn hạn chế thì việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện là chủ trương tốt. Tuy nhiên, thời gian thu phí quá dài, mức thu phí quá cao chính là yếu tố khiến nhiều người lo lắng. Nhất là trong bối cảnh các dự án BOT đường thủy này chưa công khai, chưa đấu thầu minh bạch về số vốn cải tạo cũng như vốn thu hồi.
Lấy một ví dụ đơn giản là dự án BOT cầu Bình Lợi-Bến Súc, mức phí đề xuất thu là khoảng 70 đồng/tấn/km. Nếu một tàu chở hàng 1.000 tấn (loại trung bình lưu thông ở sông Sài Gòn hiện nay) đi qua tuyến sông này mỗi lần sẽ phải đóng khoảng 5 triệu đồng. Nếu quay lại, đóng tiếp 5 triệu đồng nữa.
Thậm chí, ngay cả các ghe tàu chở nguyên vật liệu loại nhỏ của người dân nếu lưu thông ở đây, mỗi lượt cũng tốn vài chục ngàn tiền phí.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh thì khi các dự án BOT đường thủy đưa vào vận hành, rất nhiều hệ lụy sẽ xảy ra. Cụ thể, khác với đường bộ, các doanh nghiệp có thể chọn lựa các tuyến đường khác để đi thì ở đường thủy, hầu hết là độc đạo. Đấy là chưa kể, chủ trương hiện nay là khuyến khích doanh nghiệp vận tải bằng đường thủy, nếu thu phí quá cao thì các doanh nghiệp sẽ vận tải bằng đường bộ, khiến cho tình trạng ùn tắc thêm kéo dài.
Đặc biệt, theo tính toán thì hầu hết các tuyến đường thủy là có sẵn, nếu doanh nghiệp chủ BOT có bỏ tiền đầu tư cải tạo cũng không đáng kể, trong khi mức giá vé đề xuất lại quá cao.
“Nhiều tuyến sông ngòi có cả trăm năm, phương tiện đường thủy lưu thông rất nhiều. Đây là các tuyến đường của tự nhiên chứ không phải bỏ tiền xây dựng như đường bộ. Nay cải tạo mà thu phí quá cao sẽ khiến doanh nghiệp vận tải khó chấp nhận” - chủ một doanh nghiệp vận tải ở TP HCM cho biết.
Theo Đại đoàn kết.