|
Tháng 11 chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của các mặt hàng dầu thô, khí gas, kim loại cơ bản và cao su, trái lại sự sụt giảm mạnh của kim loại quý và hầu hết nông sản. Kỳ vọng vào động thái giảm sản lượng của OPEC đã đẩy giá dầu tăng lên, trong khi đồng USD tăng khiến vàng và nhiều hàng hoá khác mất giá. Một số loại giảm giá do bán ra mạnh sau đợt giá tăng trước đó.
Năng lượng: OPEC đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng lần đầu sau 8 năm
Giá dầu thế giới tăng gần 10% trong phiên giao dịch 30/11, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận đầu tiên kể từ năm 2008 về cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Điều này đã được giới đầu tư kỳ vọng trong suốt cả tháng qua.
Amrita Sen, nhà phân tích tại Energy Aspects Ltd cho biết “Đây là lời thức tỉnh cho những ai cho rằng khối OPEC đã chết. Khối này muốn giảm tồn kho dầu”.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định OPEC đạt được sự đồng thuận này chủ yếu để tận dụng cơ hội hành động trước khi ông Trump lên giữ chức Tổng thống, bởi ông ủng hộ chính sách tăng cường khai thác dầu đá phiến và khí tự nhiên, khi đó OPEC sẽ khó có cơ hội điều tiết thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả từ hành động của OPEC rất khó đoán trước, bởi ngành kinh doanh dầu đá phiến của Mỹ chỉ cần giá dầu ở mức 50 USD/thùng là đã có lãi. Nếu khi đó Mỹ tăng sản lượng dầu thì mục tiêu nâng giá dầu lên 55-60 USD/thùng của OPEC và Nga sẽ khó đạt được.
OPEC sẽ giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017. Thỏa thuận này sẽ miễn trừ cho Nigeria và Lybia, nhưng đã thành công trong việc áp đặt trần sản suất cho Iraq lần đầu tiên kể từ thập niên 1990. Cùng ngày, Nga tuyên bố sẵn sàng giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày để ủng hộ thỏa thuận của OPEC.
Theo thỏa thuận mới đạt được, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Kuwait sẽ giảm sản lượng lần lượt là 139.000 thùng/ngày và 131.000 thùng/ngày. Iran sẽ "đóng băng" sản lượng gần mức hiện tại là 3,797 triệu thùng/ngày. Các thành viên OPEC khác cũng sẽ cắt giảm sản lượng theo các mức quy định. Là nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 OPEC, Iraq đồng ý cắt giảm 210.000 thùng/ngày so với sản lượng trong tháng 10 vừa qua. Nước này ban đầu xin được áp dụng cơ chế đặc biệt, với lý do cần nguồn tài chính cho cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Thị trường hy vọng động thái của OPEC sẽ đẩy nhanh quá trình tái cân bằng trên thị trường dầu mỏ và làm giảm bớt tình trạng dư cung kéo dài trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Xu hướng có tồn tại lâu dài hay không còn tùy thuộc vào thái độ của các nước OPEC, do cũng đã không ít lần họ tự ý phá bỏ cam kết đạt được.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS Group AG cho biết: “Thỏa thuận đạt được là rất tích cực, nhưng nó chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1. Trong tháng 12, sản lượng vẫn cao kỷ lục. Nhưng thị trường có lẽ không quan tâm điều này. Nếu Nga cũng tham gia cắt giảm sản lượng, thì rất lạc quan.”
Giá dầu vượt ngưỡng 50 USD. Ảnh: Bloomberg
Sản lượng của các nước OPEC kể từ tháng 1/2017. Ảnh: WSJ
2 năm vừa qua là giai đoạn khó khăn với OPEC: Khối này chỉ thu được 341 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong năm nay, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Mức này thua xa mức 753 tỷ USD vào năm 2014 trước đợt giảm giá mạnh, và mức kỉ lục 920 tỷ USD vào năm 2012.
Kim loại quý: USD tăng ép giá vàng xuống gần mức thấp nhất 10 tháng
Giá vàng thế giới cuối tháng 11 đã giảm xuống sát mức thấp nhất trong 10 tháng, trong bối cảnh số liệu lạc quan của kinh tế Mỹ và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng hỗ trợ đồng USD, tiếp tục củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 12 này. Giá vàng châu Á hướng tới tháng giảm giá mạnh nhất trong vòng ba năm rưỡi, mất 6,83% giá trị.
Chỉ số đồng USD gần đây đã leo dốc mạnh mẽ lên mức cao nhất trong nhiều năm. Đà tăng của đồng USD phần lớn bắt nguồn từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không chỉ nâng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 13-14/12/2016 và mà còn tiếp tục nâng lãi suất vào năm tới nếu kế hoạch gia tăng chi tiêu chính phủ của Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump gây ra áp lực lạm phát lên nền kinh tế Mỹ.
Một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng là việc nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong thời gian tới có thể giảm mạnh, do nguồn tiền mặt trong dân hạn chế trước việc Chính phủ nước này quyết định rút toàn bộ số tiền mệnh giá lớn đang được lưu hành. Được biết, mùa cưới tại Ấn Độ thường diễn ra từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau và người dân nước này có truyền thống tặng quà cưới là đồ trang sức bằng vàng – chiếm hơn 50% nhu cầu tiêu thụ vàng hàng năm của Ấn Độ.
Nguy cơ “vỡ bong bóng” đầu tư hàng hoá ở Trung Quốc
Hiện tượng tiền của các nhà đầu tư chảy từ thị trường thép sang cao su và kẽm gây lo ngại về sự sụt giảm giá mạnh mẽ đối với những mặt hàng này một khi các nhà đầu tư ào ạt rút tiền ra giống như với thép.
Hiện tượng giới đầu tư ở Trung Quốc dồn tiền vào hàng hoá trong thời gian gần đây được cho là xuất phát từ chính sách kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy ra nước ngoài chứ không phải do nhu cầu thực tế, nên rủi ro giá quay đầu giảm nhanh là rất lớn.
Những mặt hàng than cốc và thép các loại đã là nạn nhân của tình trạng này, kể cả mặt hàng chì – giá tại Thượng Hải đã giảm mạnh sau khi tăng lên mức cao trước đó. Nay kim loại cơ bản và cao su đang lên ngôi, và khi nào sẽ chịu chung số phận với thép?
“Vốn đang chảy vào những tài sản có độ rủi ro lớn, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, và sản lượng nhiều hàng hoá tăng lên”, Liu Xinwei, nhà phân tích thép thuộc Sublime cho biết.
Các nhà phân tích cho biết giá thép và quặng sắt sau khi tăng lên mức cao kỷ lục nhiều tháng đã phải trải qua đợt bán tháo mạnh – nguyên nhân kéo giá giảm xuống. Trong khi đó các nhà đầu tư lại đang rất chuộng các mặt hàng đồng, kẽm và chì, trong bối cảnh đơn đặt hàng mới của các nhà máy Trung Quốc không tăng. Giới đầu tư đang kỳ vọng chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ông Trump sẽ kích thích tăng nhu cầu nguyên liệu xây dựng.
Giá đồng tại Thượng Hải đã lên mức cao kỷ lục 3 năm rưỡi trong tháng 11, giá thép thanh cũng đạt mức cao nhất kể từ thang 4/2014 vào ngày 29/11. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá của những mặt hàng này cũng rất ấn tượng.
Giá than cốc kỳ hạn trên sàn giao dịch Đại Liên và thép thanh trên sàn Thượng Hải đã giảm lần lượt 8% và 7%, trong khi quặng sắt cũng giảm 8% chỉ trong một ngày – mức giảm mạnh nhất kể từ khi hợp đồng được đưa ra giao dịch – 3 năm trước đây.
Mặt hàng thép tại Trung Quốc đã tăng giá 90% trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Song mặc dù nhu cầu thép và đồng ở Trung Quốc đang ổn đinh, song nguồn cung những mặt hàng này vốn dư thừa nay đang tăng trở lại.
Rõ ràng, thị trường hàng hoá nguyên liệu đang phụ thuộc rất nhiều và Trung Quốc, và rất có khả năng giá sẽ giảm trong thời gian tới.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa |
ĐVT |
Giá 30/10 |
Giá 30/11 |
+/- (%) |
Dầu thô WTI |
USD/thùng |
46,86 |
49,44 |
↑ |
Dầu Brent |
USD/thùng |
48,30 |
50,47 |
↑ |
Dầu thô TOCOM |
JPY/kl |
31.030,00 |
36.020,00 |
↑ |
Khí thiên nhiên |
USD/mBtu |
2,99 |
3,35 |
↑ |
Xăng RBOB FUT |
US cent/gallon |
157,46 |
149,08 |
↓ |
Dầu đốt |
US cent/gallon |
149,55 |
157,65 |
↑ |
Dầu khí |
USD/tấn |
447,00 |
452,75 |
↑ |
Dầu lửa TOCOM |
JPY/kl |
40.540,00 |
45.320,00 |
↑ |
Vàng New York |
USD/ounce |
1.278,00 |
1.168,60 |
↓ |
Vàng TOCOM |
JPY/g |
4.283,00 |
4.274,00 |
↓ |
Bạc New York |
USD/ounce |
17,88 |
16,40 |
↓ |
Bạc TOCOM |
JPY/g |
60,00 |
59,90 |
↓ |
Bạch kim giao ngay |
USD/t oz. |
979,05 |
903,63 |
↓ |
Palladium giao ngay |
USD/t oz. |
620,95 |
769,22 |
↑ |
Đồng New York |
US cent/lb |
220,35 |
263,30 |
↑ |
Đồng LME 3 tháng |
USD/tấn |
4.853,00 |
5.825,00 |
↑ |
Nhôm LME 3 tháng |
USD/tấn |
1.734,00 |
1.732,00 |
↓ |
Kẽm LME 3 tháng |
USD/tấn |
2.458,00 |
2.702,00 |
↑ |
Thiếc LME 3 tháng |
USD/tấn |
20.700,00 |
21.050,00 |
↑ |
Ngô |
US cent/bushel |
354,00 |
348,75 |
↓ |
Lúa mì CBOT |
US cent/bushel |
414,25 |
401,25 |
↓ |
Lúa mạch |
US cent/bushel |
221,00 |
214,00 |
↓ |
Gạo thô |
USD/cwt |
10,13 |
9,68 |
↓ |
Đậu tương |
US cent/bushel |
1.008,25 |
1.036,50 |
↑ |
Khô đậu tương |
USD/tấn |
315,30 |
319,50 |
↑ |
Dầu đậu tương |
US cent/lb |
35,12 |
37,02 |
↑ |
Hạt cải WCE |
CAD/tấn |
522,30 |
524,70 |
↑ |
Cacao Mỹ |
USD/tấn |
2.643,00 |
2.389,00 |
↓ |
Cà phê Mỹ |
US cent/lb |
164,15 |
150,60 |
↓ |
Đường thô |
US cent/lb |
21,57 |
19,81 |
↓ |
Nước cam cô đặc đông lạnh |
US cent/lb |
213,65 |
217,60 |
↑ |
Bông |
US cent/lb |
68,74 |
71,56 |
↑ |
Lông cừu (SFE) |
US cent/kg |
-- |
-- |
↓ |
Gỗ xẻ |
USD/1000 board feet |
309,20 |
329,80 |
↑ |
Cao su TOCOM |
JPY/kg |
180,90 |
235,10 |
↑ |
Ethanol CME |
USD/gallon |
1,57 |
1,57 |
↔ |
Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg
|