Tới thời điểm này, có thể thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 không bằng những năm trước. Theo nhiều chuyên gia, lý do chính của tình trạng này là bởi trình độ công nghệ của Việt Nam còn thấp, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Nhiều hạn chế trong xuất khẩu
Tại Hội nghị Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025 diễn ra ngày 14/12, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 2006-2015, kim ngạch xuất khẩu tăng trung bình hằng năm 17,5%/năm, trong đó năm 2011 và 2008 có mức tăng trưởng cao nhất lần lượt là 34,2% và 29,1%. Trong thời gian này, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp 4 lần, tương đương 122 tỷ USD, từ mức 39,8 tỷ USD năm 2006 lên 162 tỷ USD năm 2015.
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng dịch chuyển theo hướng tăng tỉ trọng các mặt hàng công nghiệp chế biến, chiếm tỉ trọng trên 78% kim ngạch xuất khẩu, giảm dần nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản.
Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày chủ yếu là gia công, trong khi các mặt hàng nông sản - thế mạnh của Việt Nam lại xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thu về không nhiều.
Đáng chú ý nhất là sức cạnh tranh của hàng hóa còn kém. Các ngành sản xuất của Việt Nam còn một số tồn tại, yếu kém cần phải cải thiện, cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Các doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế; sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu.
Ông Phạm Tất Thắng, Cố vấn cấp cao Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, Việt Nam có đến 95% DN là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên việc tập trung cho công nghệ còn hạn chế. Thậm chí, nhiều DN Việt Nam làm ăn phi công nghệ, 45% DN có công nghiệp trung bình thấp, chỉ có 8% là có trình độ công nghệ trung bình và chỉ khoảng 2% DN có trình độ cao.
Ông Phạm Tất Thắng nhận định thêm, xuất khẩu năm 2016 về tốc độ tăng trưởng không cao như những năm trước và xuất hiện nhược điểm như các mối quan hệ nhập siêu vẫn chưa được cải thiện, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào một số thị trường, và thậm chí phụ thuộc vào một số DN như hiện tượng Samsung thu hồi điện thoại Samsung Galaxy Note 7 vừa qua đã ảnh hưởng lớn tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“TPP vẫn là hình mẫu để các DN hướng tới”
Nhiều chuyên gia tại hội nghị cho rằng dù có hay không có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Hoa Kỳ có thể sẽ rời hiệp định này thì TPP vẫn là hình mẫu để DN Việt Nam phấn đấu và nâng cao sức cạnh tranh bởi trong bối cảnh mới, sức ép hội nhập sẽ càng lớn hơn đối với các DN.
“DN Việt Nam cần sớm từ bỏ tư duy làm ăn manh mún chụp giật, thậm chí là làm ăn kiểu ‘kiếm chác’, kiểu sinh ra để mua bán chứng từ hoặc sân sau cho các DN lớn. Cả ASEAN sẽ là một thị trường, một không gian sản xuất chung nên các DN cần phải hành động để thích ứng với hoàn cảnh này. Nếu không các DN có kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore, Philippines sẽ chiếm lĩnh thị trường bằng cách làm khôn khéo của họ. Đặc biệt, gần đây, sự xâm nhập của các DN Thái Lan vào thị trường Việt Nam bằng bước đi phù hợp là lời cảnh báo của chúng ta”, ông Phạm Tất Thắng nói.
Cùng quan điểm trên, PGS. TS Phan Tố Uyên (Đại học Kinh tế quốc dân) cũng cho rằng quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, công nghệ và quản lý còn yếu kém, sức cạnh tranh không cao là thực trạng phổ biến của các DN Việt Nam hiện nay.
"Với xuất phát điểm đều là những DN vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu tầm nhìn và chiến lược cạnh tranh nên nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức", bà Phan Tố Uyên nói.
Vì thế, theo chuyên gia này, để giúp các DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, Nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các DN vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặt khác, PGS. TS Phạm Tất Thắng cho rằng, yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, giảm giá thành và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và DN. Chính vì vậy, bằng nhiều cách, DN phải tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật mới, công nghệ hiện đại để áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, càng hội nhập sâu, hàng rào thuế quan ngày càng được dỡ bỏ, dần dần về 0-5% nhưng ngược lại hàng rào phi thuế quan như biện pháp phòng vệ thương mại, quy định về giữ gìn môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… sẽ được dựng lên. Vì thế, DN cần hiểu rõ các rào cản này đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà DN hướng tới; chuẩn bị điều kiện về thông tin, hiểu biết về pháp lý… để đối mặt với những xung đột pháp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh trên thị trường.
Theo chinhphu.vn