Năm 2016, thành phố Đà Nẵng nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền trung nói chung phát triển theo chiều hướng tích cực, các khu công nghiệp đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, công tác đầu tư phát triển cảng có sự chuyển biến lớn. Nhờ đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng đạt mức kỷ lục với 7,25 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2015, trong đó sản lượng container đạt 320 nghìn TEUs, tăng 24% so với năm 2015.
Ngay trong ngày đầu tiên năm 2017, con tàu mang tên Bindi Ipsa, quốc tịch Panama đã cập cảng Đà Nẵng, chở theo hơn 650 TEUs container hàng hóa. Lễ đón tàu được tổ chức ngay trên cầu cảng số 1, cảng Tiên Sa. Đồng thời, cảng Đà Nẵng cũng tổ chức khai trương và đưa vào hoạt động cần cẩu QCC số 03 hiện đại nhất miền trung.
Trong năm 2016, với phương châm năng suất – an toàn – hiệu quả, cảng Đà Nẵng luôn kêu gọi, khuyến khích công nhân, cán bộ cảng làm việc có năng suất cao, bảo đảm an toàn hàng hóa, tàu thuyền và con người trên bến cảng.
Tất cả thành viên của cảng Đà Nẵng tích cực thực hiện văn hóa công ty, trong đó đề cao giá trị chính trực, làm việc với thái độ tận tâm, trách nhiệm. Không để xảy ra tình trạng vòi vĩnh, mất cắp hàng hóa, gia tăng sự kết nối giữa cảng với khách hàng và giới hữu quan, tạo nên giá trị thương hiệu cảng Đà Nẵng.
Liên tục năm năm qua, cảng Đà Nẵng luôn giữ được sự tăng trưởng mạnh mẽ, với mức tăng sản lượng hàng hóa bình quân hàng năm 13%, riêng mặt hàng container luôn chiếm hơn 60% cơ cấu tỉ trọng sản lượng hàng hóa qua cảng, tăng trưởng ổn định ở mức 22%/ năm.
Hiện tại, mỗi tuần cảng Đà Nẵng đón khoảng 24 chuyến tàu container cập cảng làm hàng. Các hãng container hàng đầu thế giới đều đã có mặt ở cảng Đà Nẵng như Maersk Lines, Evergreen, MSC, Wanhai, SITC hay Yangming..
Năm 2106, cảng Đà Nẵng cũng chứng tỏ vai trò quan trọng trong phát triển du lịch của thành phố, thông qua việc đón 73 lượt tàu du lịch với 135 nghìn khách và thuyền viên cập cảng. Từ quý 4-2016, cảng Đà Nẵng đã hoàn thành việc nâng cấp bến số 5 và bắt đầu đón tàu du lịch Genting Dream với chiều dài 335m, sức chứa 3.500 khách – là một trong những tàu du lịch hạng sang và lớn nhất thế giới – cập cảng định kỳ hàng tuần.
Trong năm 2016, cảng Đà Nẵng cũng đã khởi công xây dựng Dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2017.
Năm 2017, cảng Đà Nẵng đặt ra mục tiêu bốc dỡ 7,6 triệu tấn hàng hóa, trong đó container là 360 nghìn TEUs. Đến 2020 đạt sản lượng 10 triệu tấn hàng hóa, container 510 nghìn TEUs.
Giai đoạn 2017 - 2020, cảng Đà Nẵng đặt mục tiêu phát triển theo hai hướng chính là Dịch vụ cảng và Dịch vụ Logistics. Đối với dịch vụ cảng, chú trọng phát triển theo hướng tàu container, tàu du lịch và tàu có trọng tải lớn. Với dịch vụ logisitics, cảng Đà Nẵng hướng tới phát triển hệ thống kho bãi 20ha tại khu vực Hòa Nhơn, cùng hệ thống kho CFS, kho ngoại quan tại Danalog.
Về định hướng lâu dài, cảng Đà Nẵng và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đang tiến hành xin chủ trương của lãnh đạo TP Đà Nẵng đầu tư vào cảng Liên Chiểu, mục tiêu tới 2022 sẽ chuyển một phần hàng hóa về cảng Liên Chiểu, giúp giảm tải cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch.
Đây là bước đi đầu tiên để thực hiện kế hoạch xây dựng cảng Đà Nẵng (trong đó chủ lực là cảng Liên Chiểu) trở thành cảng trung chuyến quốc tế có tầm ảnh hưởng đến khu vực Asean và châu Á.
Theo báo Nhân dân Điện tử.