Hiện nay, ngành vận tải biển đang khó khăn trên khắp các thị trường, phát sinh những doanh nghiệp làm ăn không uy tín, thậm chí lừa đảo. Nếu không có nhiều kinh nghiệm, không sáng suốt trong lựa chọn đối tác, doanh nghiệp sẽ phải trả giá, thường là bằng rất nhiều tiền.
Một doanh nghiệp chủ tàu tại TPHCM ký hợp đồng cho một doanh nghiệp ở Maldives thuê tàu để chở hàng từ Ấn Độ đi Male thuộc Maldives, hợp đồng có điều khoản thanh toán trước khi tàu đến cảng dỡ để dỡ hàng và chủ tàu giao B/L gốc cho người gửi hàng khi nhận được ủy nhiệm chi đã chuyển tiền của chủ hàng. Ngay sau khi tàu hoàn thành xếp hàng và trên đường đến cảng Male thì phía chủ tàu nhận được ủy nhiệm chi có chữ ký của ngân hàng nên đã giao B/L gốc để chủ hàng làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, do quảng đường đi từ Ấn Độ qua Maldives rất ngắn (chỉ hơn hai ngày).
Đến cảng Male, trong khi chủ tàu bắt đầu cho dỡ hàng thì doanh nghiệp phía Việt Nam vẫn chưa nhận được tiền cước vận tải. Do trên B/L ghi “Freight Prepaid” đã được phát hành cho phía người gửi hàng sau khi chủ tàu nhận được ủy nhiệm chi từ phía chủ hàng Maldives, hàng hóa bắt buộc phải giao cho người nhận hàng đang cầm B/L gốc.
Vừa cho dỡ hàng, doanh nghiệp chủ tàu Việt Nam vừa phải kiểm tra với tất cả các ngân hàng, từ ngân hàng người thụ hưởng đến các ngân hàng trung gian bên phía Hoa Kỳ nhưng vẫn không thấy số tiền này. Cuối cùng mới phát hiện ủy nhiệm chi này là giả. Sau rất nhiều tranh cãi và lưu giữ hàng (mất một tháng rưỡi) thì doanh nghiệp phía Maldives cũng chấp nhận chuyển lại số tiền cước vận chuyển trị giá hơn 90.000 đô la Mỹ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, đến đây thì phát sinh thêm chi phí 77.000 đô la Mỹ do việc tàu dừng dỡ hàng và chờ để làm rõ việc chuyển tiền và ủy nhiệm chi giả của phía chủ hàng. Đến lúc này, hàng đã được dỡ xong, phía chủ hàng thoái thác trách nhiệm và trốn tránh. Chủ tàu đành ngậm đắng nuốt cay cho tàu rời khỏi Maldives mà không thể đòi được khoản tiền phát sinh này dù đã sử dụng rất nhiều biện pháp pháp lý.
Bất cứ đối tác nào cũng phải tuân theo những điều đã thỏa thuận trong hợp đồng. Những người cố tình làm sai hoặc có các yêu cầu khác so với hợp đồng đã thỏa thuận thường dễ là những kẻ không uy tín và lừa đảo.
Sau khi tìm hiểu thì biết được, trước khi ký hợp đồng, chủ tàu đã kiểm tra và biết doanh nghiệp này từng làm ăn với khá nhiều chủ tàu Việt Nam, đã từng thuê rất nhiều tàu Việt Nam. Tuy nhiên, ngay khi thực hiện hợp đồng thì doanh nghiệp chủ hàng này đã gặp một tai nạn với doanh nghiệp chủ tàu Hàn Quốc khiến cho hàng hóa không dỡ được ra khỏi tàu, họ bị tổn thất khá nhiều. Họ chọn cách vi phạm pháp luật là làm giả giấy tờ để làm được những lô hàng sau. Trường hợp của chủ tàu ở TPHCM nói trên không phải duy nhất, vì cùng thời điểm đó họ còn ký hợp đồng thuê ba tàu khác của các doanh nghiệp Việt Nam và đều bị tình trạng tương tự.
Một trường hợp khác, một doanh nghiệp chủ tàu tại TPHCM ký hợp đồng với chủ hàng là một doanh nghiệp Campuchia. Doanh nghiệp chủ tàu được sự giới thiệu từ một doanh nghiệp rất lớn và có mối quan hệ làm ăn rất lâu từ Singapore. Doanh nghiệp chủ tàu cũng kiểm tra rất kỹ và được biết đối tác Campuchia này đã từng làm việc với rất nhiều doanh nghiệp trong ngành khác ở Singapore, Ấn Độ, Maldives, Brunei...
Tàu đến, xếp xong hàng, chủ tàu nhận được điện chuyển tiền của phía chủ hàng bên Campuchia. Sau một ngày, thì họ chuyển thêm điện thành công MT103. Thông thường, khi đã có điện thành công thì tiền sẽ vào tài khoản của người nhận tiền. Do đó, phía chủ tàu cho dỡ hàng vì thời gian chạy tàu từ Campuchia qua Singapore rất ngắn.
Tuy nhiên, sau khi dỡ xong hàng thì chủ tàu vẫn chưa nhận được tiền, kiểm tra với các ngân hàng hai đầu và cả ngân hàng trung gian thì mới phát hiện khoản tiền đang bị giữ tại một ngân hàng ở Hoa Kỳ do trong điện chuyển tiền, tên của ông chủ công ty này trùng với một người Đài Loan đang bị liệt vào trong danh sách đen (Blacklist) của ngân hàng trung gian ở Hoa Kỳ ấy.
Thường thì ngân hàng trung gian luôn có một danh sách các từ bị liệt vào danh sách đen và bất cứ khoản tiền nào có ghi các từ này luôn bị giữ lại (hệ thống này hoàn toàn tự động) bên Hoa Kỳ để làm rõ rồi mới chuyển tiếp. Nếu không nhận được sự hợp tác để làm rõ của người chuyển tiền thì khoản tiền sẽ tự động chuyển trả về tài khoản người chuyển sau một khoảng thời gian (thường là hai tuần).
Doanh nghiệp chủ tàu từng nhiều lần bị trường hợp như thế đã giải quyết khá nhanh chóng nên hy vọng lần này cũng sẽ cùng đối tác và ngân hàng giải thích để phía ngân hàng trung gian Hoa Kỳ cho thông qua khoản tiền này.
Tuy nhiên, không như dự định, đây là một cách lừa đảo mới của doanh nghiệp phía Campuchia, họ hoàn toàn không có bất cứ hỗ trợ nào để ngân hàng trung gian thông qua số tiền. Ngược lại, họ chờ cho khoản tiền phía ngân hàng trung gian trả lại và tắt máy điện thoại, trốn. Rất nhiều biện pháp pháp lý đã được đưa ra nhưng vẫn không tìm được doanh nghiệp này.
Trong khi làm việc với các cơ quan chức năng phía Campuchia và Singapore thì doanh nghiệp chủ tàu phát hiện có khá nhiều nạn nhân cũng bị mất tiền giống mình và người môi giới trong hợp đồng này - một doanh nghiệp khá lớn phía Singapore cũng là nạn nhân trong cùng thời điểm.
Về mặt pháp lý, có những điều khoản bảo vệ người chủ tàu. Nhưng nếu gặp phải những doanh nghiệp cố tình chây ì, cố tình lừa đảo hoặc nếu lỡ đưa cho họ nắm thế chủ động như hai trường hợp kể trên thì việc đòi lại những gì thuộc về mình quả là rất khó khăn. Lẽ ra chủ tàu cần phải chờ cho đủ tiền vào tài khoản của mình thì mới giao B/L gốc hoặc cho phép dỡ hàng. Tuy nhiên, áp lực chạy tàu và áp lực quay vòng nhanh, hạn chế thời gian tàu nằm chờ (do tàu đi thuê mỗi ngày mất hơn 3.000 đô la Mỹ), các doanh nghiệp thường cố gắng thực hiện tất cả các bước một cách nhanh nhất có thể. Chính điều này đã dẫn doanh nghiệp đến hành động không được an toàn và họ đã trả giá.
Theo Thời báo Kinh kế Sài Gòn.