|
Năm 2016, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chủ lực xuất sang Nam Phi, đạt 465,2 triệu USD, chiếm 53,5% tổng kim ngạch
Số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam cho thấy, thương mại Việt Nam và Nam Phi năm 2016 chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 11,9% so với năm 2015, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi 868,8 triệu USD, giảm 16,38% và nhập khẩu từ Nam Phi 147,7 triệu USD, tăng 28,2%. Như vậy, kết thúc năm 2016 Việt Nam đã xuất siêu sang Nam Phi 721,1 triệu USD, giảm 21,9% so với năm trước.
Năm 2016, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chủ lực xuất sang Nam Phi, đạt 465,2 triệu USD, chiếm 53,5% tổng kim ngạch, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu mặt hàng này so với năm 2015 lại suy giảm, giảm 19,13%. Đứng thứ hai là mặt hàng giày dép, đạt 117,4 triệu USD tăng 7,33%, đứng thứ ba là máy vi tính và sản phẩm điện và linh kiện, với 100,3 triệu USD, giảm 37,26%...
Nhìn chung, năm 2016, xuất khẩu sang Nam Phi các mặt hàng đều suy giảm kim ngạch, chiếm 76,9%, trong đó mặt hàng gạo giảm mạnh nhất, giảm 45,1%, ngược lại với các mặt hàng có tốc độ tăng trưởng dương chỉ chiếm 23% và cà phê là mặt hàng tăng mạnh vượt trội, tuy kim ngạch chỉ đạt 16,4 triệu USD, nhưng tăng gần 60% so với năm ngoái.
Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ về tình hình xuất khẩu sang Nam Phi năm 2016
ĐVT: USD
Mặt hàng |
Năm 2016 |
So với năm 2015 (%) |
Tổng |
868.826.320 |
-16,38 |
điện thoại các loại và linh kiện |
465.248.351 |
-19,13 |
giày dép các loại |
117.446.828 |
7,33 |
máy vi tính, sp điện tử và linh kiện |
100.381.395 |
-37,26 |
hạt tiêu |
21.562.007 |
29,82 |
hàng dệt, may |
19.886.978 |
-1,39 |
cà phê |
16.472.128 |
59,84 |
máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác |
14.705.067 |
-33,53 |
hạt điều |
9.930.172 |
-15,48 |
gạo |
9.365.267 |
-45,10 |
sản phẩm hóa chất |
8.457.927 |
-4,13 |
gỗ và sản phẩm gỗ |
7.756.821 |
-39,44 |
sản phẩm từ sắt thép |
7.171.356 |
-19,77 |
phương tiện vận tải và phụ tùng |
5.498.068 |
13,65 |
bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc |
2.083.364 |
-25,02 |
chất dẻo nguyên liệu |
867.443 |
32,37 |
Ngoài xuất khẩu sang Nam Phi, Việt Nam cũng nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng như: chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, kim loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất…
Đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa hai nước Việt nam – Nam Phi, ngày 30/1/2017 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp (TM&CN) Durban.
Bà Alta Keyter – Giám đốc Marketing & Truyền thông và ban lãnh đạo Phòng TM&CN Durban (DCCI) đã nhiệt tình đón tiếp Đại sứ và trao đổi tích cực các vấn đề hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi nói chung và giữa Đại sứ quán và DCCI nói riêng trong việc thúc đẩy đầu tư, thương mại và du lịch.
Trao đổi tại buổi gặp, đại sứ Vũ Văn Dũng nhấn mạnh, Nam Phi là một nền kinh tế lớn của châu Phi và của thế giới, dù kim ngạch thương mại 2 chiều của hai nước năm 2016 đạt 1,2 tỷ đô-la Mỹ, song vẫn còn nhiều tiềm năng. Bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Đại sứ quán và DCCI, đặc biệt trong việc tăng cường trao đổi thông tin kinh tế, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Nam Phi, quảng bá thu hút du lịch hai chiều...
Đại sứ cho biết, năm 2017 là năm APEC Việt Nam, trong hoạt động đối ngoại quan trọng này của Việt Nam sẽ có 200 hoạt động, lớn nhất là Hội nghị Cấp cao các nền kinh tế APEC vào cuối năm. Ngoài ra, Việt Nam sẽ tổ chức nhiều diễn đàn kinh tế - thương mại để thúc đẩy kết nối, tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây là cơ hội doanh nghiệp Durban và Nam Phi tham dự để tăng cường kết nối với doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phía bạn cho đây là ý tưởng đáng quan tâm và mong muốn có sự hỗ trợ cho việc tham dự các diễn đàn doanh nghiệp ở Việt Nam.
Trưởng bộ phận Thương vụ đánh giá, mặc dù hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rất phù hợp với thị trường Nam Phi, tuy nhiên, việc thiếu thông tin cũng như thiếu các kênh trao đổi giữa doanh nghiệp 2 nước khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Nam Phi chưa biết nhiều tới hàng hóa Việt Nam và ngược lại. Các sản phẩm thế mạnh của Nam Phi như thịt bò, trái cây, rượu vang hay khoáng sản cũng chưa tìm được thị trường tại Việt Nam do chậm chân và do sự thiếu tích cực từ phía doanh nghiệp Nam Phi. Ông Đức đề nghị, DCCI tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp là thành viên của DCCI, đặc biệt là các sự kiện xúc tiến thương mại do DCCI chủ trì, tích cực tổ chức trao đổi các đoàn XTTM của 2 nước.
Bà Alta Keyter, đại diện cho Lãnh đạo DCCI đã cám ơn các chia sẻ và thông tin của đoàn công tác. Bà Alta Keyter cho biết, trong thời gian tới, DCCI sẽ triển khai ngay việc cập nhật thông tin về hàng hóa, du lịch cũng như các hội chợ, triển lãm tại Việt Nam trên các bản tin của DCCI, đồng thời tích cực trao đổi thông tin với Bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán để giúp doanh nghiệp Nam Phi có nhiều cơ hội hiểu rõ thị trường, sản phẩm cũng như du lịch của Việt Nam.
Durban là thành phố cảng lớn nhất của Nam Phi, đồng thời cũng là điểm trung chuyển container lớn nhất Nam bán cầu. Đây là trung tâm kinh tế đa dạng của Nam Phi với đủ các thành phần phát triển như sản xuất, du lịch, vận tải, tài chính... và nổi bật với hệ thống cảng biển sâu, rộng, đang là điểm tập trung hầu hết các hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, với bờ biển dài, khí hậu ấm áp và nền văn hóa đa dạng, Durban còn được biết đến như một điểm du lịch hấp dẫn.
Theo VITIC/Thương vụ VN tại Nam Phi
|