Giá cước rẻ nhưng tổng giá thành vận tải cao, dịch vụ vận tải hạn chế đang khiến các chủ hàng không mấy “mặn mà” với đường sắt.
Giá thành cao do dịch vụ hai đầu kém
Câu chuyện “hút khách” của đường sắt bấy lâu nay chủ yếu chỉ xoay quanh chuyện giá cước. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Bê tông Bảo Quân Vĩnh Phúc cho rằng, giá cước đường sắt còn cao, nhất là với một doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1km đường sắt nhánh từ ga Hương Canh vào nhà máy sản xuất như công ty.
“Mặc dù Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã giảm 20% giá cước cho chúng tôi nhưng vẫn còn cao, nhiều phụ phí. Trong khi nếu thuê vận chuyển bằng đường bộ rất đơn giản”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Bên đường sắt tính cả các chi phí như: Dồn toa, cước chiều rỗng… khiến doanh nghiệp khó tính toán tổng chi phí vận tải. Hơn nữa, tốc độ đưa hàng chậm, ảnh hưởng đến kế hoạch SXKD của doanh nghiệp.
Là bạn hàng tương đối lâu năm, có khối lượng vận chuyển xăng dầu bằng đường sắt ổn định hàng năm (120 - 130m3), ông Dương Tuấn Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Lào Cai (Tập đoàn Xăng dầu VN) vẫn hết sức băn khoăn: Hiện, các doanh nghiệp vận chuyển xi-téc với dung tích 45 - 60m3 bằng xe đầu kéo rất thuận tiện, thời gian linh hoạt và nhất là vận chuyển đến tận các cửa hàng xăng dầu, giá cước lại tương đối thấp và linh hoạt. Trong khi đó, nếu đi đường sắt, doanh nghiệp lại phải tính toán chi phí hai đầu bao gồm cả chi phí bốc xếp, lưu kho, đầu tư toa xe chuyên dụng…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty ICD Tân Cảng - Sóng Thần (thuộc Tân Cảng Sài Gòn) chia sẻ thêm: Ngoài vấn đề giá cả thì dịch vụ vận chuyển, nhất là trong kết nối với các phương thức vận tải khác của đường sắt rất hạn chế. “Một trong những hạn chế của vận tải đường sắt hiện nay là hệ thống các nhà ga hàng hóa xuống cấp, việc xếp dỡ hàng hóa chủ yếu bằng nhân công nên năng suất thấp, giá thành cao, thời gian giao nhận kéo dài. Hơn nữa, vẫn còn hiện tượng nhân viên đường sắt nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực ở các khâu dịch vụ vận chuyển”, ông Sơn thẳng thắn.
Sớm cơ cấu lại giá thành, cung cấp giá trọn gói
Thực tế, TCT Đường sắt VN cũng đã nhìn nhận rõ những tồn tại, yếu kém nội tại. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, phụ trách HĐTV TCT Đường sắt VN đã chỉ rõ: Thời gian chạy tàu còn dài, nhất là tàu hàng, việc cấp toa còn khó khăn, giá cước chưa thực sự linh hoạt theo biến động của thị trường, còn nhiều đầu mối chưa rõ ràng khiến khách hàng khó khăn khi tiếp cận… là những tồn tại mà ngành Đường sắt phải nhanh chóng khắc phục nếu muốn khách hàng đến và ở lại với mình.
Để khắc phục những hạn chế này, theo Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Đỗ Đình Dược, TCT Đường sắt VN và các công ty vận tải đường sắt phải cơ cấu lại giá thành tiến tới giảm cước.
“Tổng công ty xem xét hạ giá thành điều hành để các công ty có điều kiện giảm giá cước. Ngoài ra, cần giảm giá thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các công ty vận tải đường sắt, đặc biệt là các địa điểm chuyên dùng của ngành như các xí nghiệp toa xe, các trạm chỉnh bị… để giảm chi phí sản xuất”, ông Dược kiến nghị.
Kiến nghị của ông Dược có cơ sở khi nhiều khách hàng cho rằng, đường sắt cần có chính sách giá cước linh hoạt hơn, ưu đãi hơn, nhất là với những khách hàng truyền thống để nâng cao tính cạnh tranh với vận tải đường bộ.
Thực tế, theo ông Dương Tuấn Dũng, ngành Đường sắt nên có chính sách giá cước ưu đãi đối với các doanh nghiệp có lượng hàng vận chuyển lâu dài song song với việc tăng chất lượng dịch vụ vận chuyển.
Cũng về chất lượng dịch vụ, ông Sơn cho rằng, để vận tải hàng hóa hiệu quả, đường sắt nên quan tâm đầu tư dịch vụ vận tải logistics. “Vai trò của đường sắt trong việc phát triển dịch vụ logistics rất lớn nhưng hiện tại, đường sắt lại chưa tham gia được sâu rộng vào dịch vụ logistics”, ông Sơn nói và khẳng định Tân Cảng Sài Gòn sẵn sàng hợp tác với đường sắt để phát triển dịch vụ logistics. Tuy nhiên, ông Sơn cũng đề xuất, ngành Đường sắt nên quan tâm đến chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là khối kinh doanh dịch vụ logistics; Mời nhà đầu tư hoặc đối tác chiến lược có tiềm năng mọi mặt tham gia, đồng thời có chính sách, cơ chế cụ thể, rõ ràng…
Trước các ý kiến của khách hàng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Phan Quốc Anh khẳng định, đường sắt sẽ đưa ra một giá thành trọn gói, cung cấp dịch vụ vận tải chất lượng, không để khách hàng phải tự bóc tách, tính toán chi phí… Ông Quốc Anh cũng cam kết sẽ tiếp tục rà soát để giảm chi phí điều hành vận tải, chi phí sức kéo, tạo điều kiện giảm giá cước, giá vé… “Chúng tôi sẽ phát triển các sản phẩm dịch vụ giá rẻ, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; Điều chỉnh giá cước, triển khai thêm các chính sách khuyến mãi mới đối với khách hàng; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ vận tải…; Tăng cường các hoạt động xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt… nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, tăng lợi ích cho cả doanh nghiệp và khách hàng”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Theo báo Giao thông.