Có tới 93% doanh nghiệp ghi nhận có chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hải quan, tỷ lê các doanh nghiệp FDI đánh giá đạt tới 96%.
Tại Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan - Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/4, kết quả khảo sát cho thấy, vẫn có 31% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính của ngành hải quan.
Theo Báo cáo đánh giá cải cách hành chính hải quan năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, có tới 97% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá tích cực về các phương thức tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính hải quan. Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp phàn nàn về chính sách hải quan có nhiều thay đổi và doanh nghiệp thường bị động về thông tin chính sách mới.
Khảo sát năm 2016 tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp đánh giá về sự chuyển biến của pháp luật về hải quan trong 5 năm qua. Theo đó, có tới 93% doanh nghiệp ghi nhận có chuyển biến tích cực, trong đó tỷ lệ đánh giá tích cực trong các doanh nghiệp FDI đạt cao nhất 96%.
Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng đối với kết quả phản hồi của cơ quan hải quan về các vướng mắc đã có sự cải thiện so với năm 2015 và vẫn được duy trì ở mức cao. Các thủ tục hành chính đều được đánh giá là không quá khó để thực hiện, ngoại trừ một số thủ tục vẫn bị đánh giá khó thực hiện như thủ tục hoàn thuế, giải quyết khiếu nại.
Theo khảo sát, vẫn có 31% doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính hải quan, 31% doanh nghiệp trả lời không biết và 38% doanh nghiệp cho biết không chi trả. So với năm 2015, tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức đã tăng từ 28% lên 31%.
Theo các doanh nghiệp tham gia khảo sát, ngành hải quan cần tiếp tục nhiều cải cách hơn nữa trong một số lĩnh vực: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cung cấp thông tin, tăng cường quan hệ đối tác doanh nghiệp – hải quan.
Có 50% số doanh nghiệp đề xuất ngành hải quan cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và 46% mong muốn tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có 37% doanh nghiệp đề nghị nâng cao kỷ cương, kỷ luật và năng lực giải quyết công việc của cán bộ hải quan, 35% doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan tiếp tục cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ doanh nghiệp tìm hiểu và làm thủ tục hải quan.
Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, Tổng cục Hải quan hiện nay đang lấy ý kiến doanh nghiệp trong việc sửa đổi Thông tư 38/2015. Vì vậy trong Thông tư và Nghị định cần đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ khai báo cho doanh nghiệp gắn với việc áp dụng công nghệ thông tin càng nhiều càng tốt với thủ tục khai báo hải quan, giảm thiểu yêu cầu về giấy tờ.
“Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề về kết hợp giữa hải quan và kiểm tra chuyên ngành. Đề nghị ngành hải quan đi đầu trong việc thúc đẩy các ngành cải cách thủ tục liên quan đến thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và đồng thời tăng cường việc kiểm tra sau thông quan và gia tăng phân định doanh nghiệp tuân thủ”, ông Tương mong muốn./.
Theo VOV.