Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, từ năm 2017 - 2025 Việt Nam cần hơn 200.000 nhân sự phục vụ trong ngành này.
Tuy nhiên, công tác đào tạo như hiện nay đang khiến ngành logistics rơi vào tình trạng thiếu nhân lực cả về lượng và chất. Để giải quyết được bài toán nguồn nhân lực trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng liên kết đào tạo nhân lực giữa nhà trường - doanh nghiệp - Nhà nước và Hiệp hội cần đi vào thực chất.
Doanh nghiệp tự đào tạo
Theo khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về chất lượng nguồn nhân lực logistics, hiện ở Việt Nam có 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics.
Chính vì vậy, hầu hết doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên sau tuyển dụng. Việc thiếu hệ thống đào tạo bài bản về dịch vụ logistics trong nhà trường chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải tự đào tạo nhân viên. Chương trình giáo dục đại học, cao đẳng về logistics hiện nay còn sơ lược, chưa cung cấp đủ kỹ năng cần thiết cho sinh viên để doanh nghiệp có thể sử dụng.
Thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có ngành Quản trị logistics và Vận tải đa phương thức, các trường đại học, cao đẳng khác tuy có chương trình đào tạo về logistics nhưng lại thuộc các khoa như: Quản trị kinh doanh, Kinh tế vận tải, Nghiệp vụ ngoại thương, Thương mại và du lịch. Do vậy, sinh viên chỉ được cung cấp các kiến thức cơ bản về nghiệp vụ ngoại thương, vận tải.
Trong khi đó, logistic là một ngành rộng lớn ba gồm nhiều lĩnh vực từ vận tải với tất cả các phương thức, tồn trữ và phân phối đến thương mại quốc tế, rủi ro và bảo hiểm, hải quan, dịch vụ gia tăng giá trị, thương mại điện tử… Vì vậy khi được tuyển dụng vào làm ở doanh nghiệp logistics, sinh viên tỏ ra lúng túng, không hiểu rõ công việc mình sẽ làm.
Bà Võ Thị Phương Lan, Tổng Giám đốc Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL) chia sẻ: "Chúng tôi hoạt động được 12 năm và trong thời gian ấy hầu như tất cả sinh viên tuyển từ các trường về đều phải đào tạo lại.
Chúng tôi đào tạo từ vấn đề cơ bản nhất, ví dụ trong lĩnh vực làm chứng từ xuất hàng hóa, phải dạy các em làm thế nào để nhận đơn hàng, quy trình làm việc với khách hàng ra sao. Bản thân tôi phải tự soạn giáo trình đào tạo để các em nhanh chóng nắm bắt công việc. Tuy nhiên, các em cũng phải mất hai tháng để học việc."
Những doanh nghiệp lớn như Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á đều có Ban đào tạo nhân viên để thực hiện công việc đào tạo, còn đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ nguồn lực họ phải gửi nhân viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn do Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải Logistic tổ chức.
Theo Hiệp hội, nhu cầu gửi nhân viên đi học của các doanh nghiệp rất cao. Như trong tháng 4 vừa qua, khi Hiệp hội thông báo mở lớp Dịch vụ khách hàng quốc tế, chỉ trong vòng 3 ngày đã có hơn 100 người đăng ký, trong khi lớp chỉ tổ chức cho 50 người.
Rõ ràng việc đào tạo lại nhân viên khiến các doanh nghiệp tốn không ít thời gian và chi phí. Theo ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Logistics Việt Nam: Nhu cầu đào tạo nhân lực logistics hiện rất bức xúc, nếu cứ theo tốc độ đào tạo như bây giờ thì phải 100 năm mới có được 200.000 nhân sự.
Liên kết đào tạo theo chiều sâu
Nhiều doanh nghiệp logistics cho biết, điều cần thiết là làm sao trong các chương trình dạy học có thể kết nối được với yêu cầu của doanh nghiệp để sinh viên ra trường không phải đào tạo lại. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường trong đào tạo nhân lực.
Ngược lại, các trường có đào tạo logistics đã liên kết với doanh nghiệp để chương trình học sát thực tế hơn. Tuy nhiên, kết nối này chưa thật sự hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2 thừa nhận: Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là có nhưng hiệu quả ra sao mới là điều cần quan tâm. Trường nào cũng nghĩ đến phải gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo nhưng hiệu quả và chất lượng liên kết của các trường lại rất khác nhau. Có trường mới làm ở bước đưa sinh viên đi tham quan, trường khác thì đưa sinh viên đến thực tập.
Thực tập cũng chia ra nhiều loại, có khi thực tập đúng với ngành học và cũng có hình thức thực tập phải theo yêu cầu của doanh nghiệp mà nhiều khi không đúng với ngành học của sinh viên, bởi doanh nghiệp không có sẵn đội ngũ giảng viên để giảng dạy, hướng dẫn các em như ở trường. Và doanh nghiệp cũng cần phải vận hành công việc của họ nên khi có sinh viên đến thực tập, năng suất làm việc của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Vũ Ninh, Trưởng ban Đào tạo Tập đoàn Gemadept (tập đoàn tiên phong về lĩnh vực hàng hải và logistics ở Việt Nam) chia sẻ thêm: Sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa mạnh. Doanh nghiệp chủ yếu đến trường đặt hàng sinh viên thông qua học bổng.
Chẳng hạn, mỗi năm chúng tôi cấp học bổng cho Đại học Ngoại thương để họ giữ cho mình một số sinh viên. Còn kết nối giữa hai bên bằng chương trình đào tạo rất khó thực hiện bởi không phải doanh nghiệp đưa ra yêu cầu gì nhà trường cũng chấp nhận.
Một trường có thể liên kết với nhiều doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp nào cũng đưa ra các yêu cầu khác nhau thì nhà trường khó xây dựng được chương trình học.
Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành logistics nói riêng, các ngành nghề khác nói chung, theo ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Trước kia chúng ta quan niệm nhà trường xây dựng các chuẩn nghề nghiệp và đã dẫn đến việc sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Do vậy, các doanh nghiệp và các hiệp hội phải cùng nhau xây dựng chuẩn nghề nghiệp để các trường căn cứ vào đó xây dựng chuẩn đầu ra, hay chương trình đào tạo. Đó là việc hết sức quan trọng mà doanh nghiệp cần phải làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên vào thực tập, thông tin cho trường biết nhu cầu tuyển dụng của mình, trình độ thế nào, cơ cấu tuyển dụng ra sao, khi nào tuyển dụng…
Doanh nghiệp cần xác định nhu cầu, cơ cấu tuyển dụng trước khoảng 3 - 5 năm để tránh việc nhà trường tự tổ chức đào tạo theo dự báo nhu cầu nhân lực của nhà trường. “Các trường không nên ngồi đợi các doanh nghiệp đến yêu cầu mà nhà trường cũng phải đi khảo sát, nghiên cứu thị trường gắn kết với doanh nghiệp để làm sao đào tạo tốt hơn.
Ngoài ra, rất cần sự vào cuộc của các hiệp hội, ban, ngành để nâng cao gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp” – ông Minh cho biết thêm.
Được biết, từ năm 2016 Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đã kết hợp với Trường Đại học Tôn Đức Thắng Thành phố Hồ Chí Minh đưa chương trình đào tạo logistics đạt tiêu chuẩn FIATA Diploma (tiêu chuẩn quốc tế) vào dạy.
Theo chương trình này, học viên được học 60% lý thuyết ở nhà trường, 40% thực hành tại doanh nghiệp từ năm nhất cho đến năm tư. Tháng 4/2017 đã có sinh viên năm cuối của trường thực tập tại Công ty Giao nhận vận tải Mỹ Á và được nhận vào làm việc sau khi tốt nghiệp.
Theo BNews.