Tại một số quốc gia đang phát triển, ngành logistics đóng góp cho GDP lên tới 15 - 20%. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, cho đến nay, các doanh nghiệp (DN) logistics Việt Nam mới chỉ đáp ứng được ¼ nhu cầu của thị trường, thậm chí đang làm thuê trong chính nhà mình.
Vậy làm thế nào để ngành logistics Việt Nam gia tăng được thị phần và tỷ trọng trong GDP?
Lép vế trên sân nhà
PGS. TS. Trần Văn Bão, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, từ năm 2001 tới nay, đặc biệt là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường dịch vụ logistics Việt Nam có sự chuyển biến tích cực với trên 1.000 DN, trong số đó có khoảng 18% là DNNN, 80% là DN tư nhân và 2% là các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Số lượng DN cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á và ngành logistics đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam.
Song, ông Bão buồn bã cho biết, đến nay, các DN logistics Việt Nam mới đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường và chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ cho một số công đoạn của chuỗi dịch vụ quan trọng này. Lĩnh vực quan trọng nhất trong hoạt động logistics Việt Nam là vận chuyển bằng đường biển với hơn 90% hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng DN trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, còn lại do các DN nước ngoài chi phối.
Thực tế, đa số DN logistics Việt Nam đang có xu hướng chuyển phần lớn hoạt động và nguồn thu sang lĩnh vực nhận đại lý cho các hãng nước ngoài hoặc liên doanh để thành lập công ty mới kinh doanh cùng lĩnh vực. Điển hình như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã thành lập một công ty con trực thuộc (Công ty CP Đại lý liên hiệp vận chuyển) chuyên kinh doanh trên lĩnh vực nhận đại lý cho một số hãng giao nhận có tiếng và nhận phí hoa hồng trên sản lượng hàng xuất hoặc hàng nhập.
“DN trong nước đang thua kém trên thị trường logistics, thậm chí đang làm thuê trong chính nhà mình. Đây thực sự là một thua thiệt lớn” - PGS. TS. Trần Văn Bão nhấn mạnh.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn
Theo GS. TS. Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, logistics là loại hình dịch vụ tổng hợp, mang tính liên ngành, việc quản lý dịch vụ logistics còn đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành như giao thông vận tải, thương mại, hải quan, công nghệ thông tin… Do đó, để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý cũng như sự nhất quán giữa các quy định của pháp luật, cần thành lập Ủy ban Logistics quốc gia với các thành viên từ các bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông…
Ngoài ra, việc khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng là một trong những giải pháp quan trọng với những chính sách cụ thể, quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo thúc đẩy sự phát triển bền vững hoạt động này.
Mới đây, trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến logistics, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, các DN logistics khi tìm cách giảm chi phí thì gặp phải các rào cản. Ông Tương nêu rõ một số ví dụ minh chứng cho nhận định này như: Hải Phòng thu phí kết cấu hạ tầng cửa khẩu cảng biển quá cao từ tháng 1/2017 làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dịch vụ logistics; Thông tư số 103/2014/TT-BTC có hiệu lực đã dẫn tới số lượng hàng hóa gửi tại kho ngoại quan phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu giảm tới khoảng 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của ngành logistics và các ngành xuất khẩu mũi nhọn; các nhà cung cấp dịch vụ vận tải phải trả phí đường bộ và phí ngoài luồng quá cao cũng làm gia tăng chi phí logistics một cách đáng kể…
Do đó, việc ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng logistics, được kết nối liên hoàn với hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ khác theo hướng đảm bảo tối ưu hóa dòng vận động hàng hóa, tiền tệ, thông tin với mục tiêu chi phí thấp nhất trong phân phối, lưu thông là một trong những giải pháp được một số chuyên gia đề xuất.
Theo báo Đấu thầu.