Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện đã tăng cường kết nối giao thông, nhưng vận tải đa phương thức lại không bắt kịp với nhu cầu phát triển của đất nước. Các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt là khối lượng hàng hóa tăng trưởng nhanh hơn mức tăng GDP và khối lượng hàng hóa vận chuyển nhanh hơn tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay.
Để tìm lời giải cho những bất cập này, hôm qua (26/6) tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia.
Dẫn số liệu của Bộ Công Thương dự báo trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng vận tải khoảng 24 tỷ USD, nhưng Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 8 tỷ USD, phía WB đề nghị Chính phủ phải huy động vốn tư nhân, tín dụng thương mại để “lấp chỗ trống” và quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả vận hành hạ tầng với sự tham gia của khu vực tư nhân. Tại buổi làm việc, WB cũng thông báo sẽ có khoản tài trợ cho ngân sách trực tiếp nhiều năm cho các chương trình hỗ trợ kỹ thuật đối với các lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại, logistics và một cửa quốc gia.
Cám ơn và đánh giá cao báo cáo và các khuyến nghị của WB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng đây là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hiện nay nhằm hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ của khu vực, quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị của WB về việc tích hợp chức năng phát triển logistics vào Ủy ban Một cửa quốc gia nhằm tạo thuận lợi thương mại.
Trong lĩnh vực vận tải, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang tập trung vào đường bộ, đường sắt theo trục Bắc-Nam, chứ chưa quan tâm tới kết nối Đông - Tây và vận tải ven biển. “WB nghiên cứu vấn đề này không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà gắn với cả các tác động của khu vực, quốc tế khi giải quyết vấn đề này” - Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo báo Pháp Luật.