Không chỉ yếu về hạ tầng, một số nơi, ngành đường sắt đang bộc lộ nhiều yếu kém trong việc vận hành cái hiện có. Nhiều chủ hàng phản ánh, dù sẵn đường ray, toa hàng nhưng đường sắt không khai thác hết năng lực. Thậm chí, có chủ hàng không biết đến dịch vụ của đường sắt.
Bộ GTVT đang có các đoàn công tác liên ngành gồm Cục Hàng hải, Cục Đường thuỷ nội địa, Tổng cục Đường bộ và Cục Đường sắt khảo sát tại nhiều khu vực trên cả nước để đưa ra các giải pháp kết nối vận tải.
Trong đợt kiểm tra tại Đông Bắc Bộ, cụ thể tại Cảng Hải Phòng, đoàn liên ngành nhận thấy nhiều bất cập của dịch vụ đường sắt khiến cho các loại hình vận tải rời rạc, chi phí cao.
Chẳng hạn, tại Cảng Vật Cách (Hải Phòng), ông Trần Duy Phúc, Tổng GĐ Cảng này phản ánh: Dù cảng có hệ thống bãi làm hàng, đường ray cho tàu hoả tác nghiệp nhưng công suất hoạt động thấp với nhiều lý do không đáng có.
Cụ thể, đường sắt thường “kêu” thiếu đầu máy, toa xe để bốc xếp hàng. Ông Phúc cho rằng, tình trạng này xảy ra liên tục cho dù đại diện Chi nhánh Khai thác vận tải đường sắt Hà Thái Hải (thuộc Tổng Cty Đường sắt Việt Nam) cho rằng toàn bộ khu vực Hải Phòng không thiếu đầu máy và toa xe.
GĐ Cảng Vật Cách còn cho rằng, một trong những nhược điểm của ngành đường sắt là công tác thông tin, quảng bá sản phẩm chưa tốt. “Dù giá cước vận tải đường sắt chỉ bằng một nửa, hoặc thấp hơn đường bộ nhưng nhiều khách không biết. Không ít chủ hàng lần đầu tiên biết đến tuyến vận tải đường sắt Hải Phòng – Lào Cai khi chúng tôi giới thiệu”– ông Phúc phản ánh.
Thống kê năm 2016 tại Cảng Hoàng Diệu (cảng biển lớn nhất Hải Phòng) cho thấy, lượng hàng hóa hóa vận chuyển sau cảng đạt 8,2 triệu tấn. Trong đó, đường sắt chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 10%-15%, một phần nhỏ thuộc về đường thuỷ, còn lại là vận tải đường bộ.
Bà Cao Thị Mai Linh, Phó GĐ Cảng Hoàng Diệu cho biết, đường sắt có lợi thế giá rẻ nhưng ngành này chưa trang bị các thiết bị bốc xếp hàng hiện đại, giá rẻ, nhanh chóng nên chủ hàng quay ra sử dụng đường bộ.
Theo báo cáo giải trình Chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 hiện hành, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn nhất, ngày càng tăng (chiếm 82,4% năm 2001 lên 91,4% năm 2010 về vận chuyển hành khách và tăng từ 65,7% năm 2001 lên 70,6% năm 2010 về vận chuyển hàng hóa). Vận tải đường sắt, đường thủy nội địa nhiều năm qua đều giảm. Vận tải hàng không vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Chủ trương kết nối, phát triển hài hoà các phương thức vận tải, tận dụng các phương thức vận tải giá rẻ như đường biển, đường sông, đường sắt được Bộ GTVT đặt ra nhiều năm nay nhưng chưa thực sự hiệu quả. Để khắc phục tình trạng này, tháng 2 vừa qua, Bộ GTVT triển khai ký Quy chế phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết nối các phương thức vận tải giữa Đảng ủy Tổng cục Đường bộ, Cục Hàng hải, Cục Đường thủy nội địa và Cục Đường sắt.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thừa nhận hiện nay có sự bất hợp lý giữa đầu tư, phát triển các phương thức vận tải; giá thành vận tải hàng hóa còn cao, các trung tâm, phương thức logistics còn rất hạn chế… Ông Nghĩa kỳ vọng sự phối hợp giữa 4 Đảng ủy này sẽ tháo gỡ tình hình, trở thành hình mẫu trong ngành GTVT.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, Trưởng đoàn khảo sát khu vực Đông Bắc Bộ cho hay, một trong những mục tiêu của đoàn khảo sát là tối ưu hoá các hạ tầng hiện có theo hướng chuyển hàng hoá xuống đường biển, đường sông, lên đường sắt nhằm giảm tải, giảm tai nạn trên đường bộ. Ông Sang cũng thừa nhận, đây là việc khó khăn vì nhiều nhiệm kỳ đã đặt ra nhưng chưa thành công. “Lần này vẫn rất khó khăn nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện; trong đó sẽ thí điểm một số tuyến vận tải đa phương thức” – ông Sang nói.
Theo báo Tiền Phong.