|
Ngày 18/5, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành về quy hoạch khu logistics tại cụm cảng Cái Cui của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết, theo Quyết định 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/7/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có một trung tâm logistics hạng II nhưng không xác định tọa độ. Đến nay chỉ có Cần Thơ báo cáo với Bộ Công Thương đưa cụm cảng Cái Cui vào quy hoạch.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, sau khi Cần Thơ có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc mở rộng quy mô khu logistics của thành phố từ 74 ha lên 242 ha, ngày 17/4, Bộ Công Thương đã có văn bản đồng ý với ý kiến của Cần Thơ Cũng theo Bộ Công Thương, việc mở rộng khu logistics này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố.
UBND TP. Cần Thơ sau đó đã có cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Vinalines và các bên có liên quan để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ phương án thành lập liên doanh để khai thác cụm cảng Cái Cui.
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, thời gian qua, nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến nghiên cứu khu vực Cảng Cái Cui và mong muốn đầu tư logistics tại đây. Nhiệm vụ của Cần Thơ sau khi Trung ương đồng ý việc mở rộng khu logistics là phải có ngay quy hoạch, phân khu chi tiết để mời gọi các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, quy hoạch này còn là cơ sở để triển khai thực hiệc các vấn đề về hạ tầng để phục vụ cho hoạt động logistics như: mạng lưới giao thông đường bộ, đường sông, kết nối hàng không, bến bãi, điện nước, xử lý chất thải…
Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Tân Cảng Cái Cui. |
Ông Tạ Chí Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ cho biết, việc quy hoạch xây dựng khu logistics tại cụm cảng Cái Cui đã thực hiện xong. Hiện khu vực này có 3 đơn vị quản lý là Cảng Cái Cui (thuộc Vinalines), Tân Cảng Cái Cui (thuộc Bộ Quốc phòng) và Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.
Theo ông Nhân, quy hoạch là một phần nhưng khúc mắc là việc triển khai giải phóng mặt bằng như thế nào. Ông Nhân đề nghị việc này nên giao Quỹ đầu tư phụ trách. Bên cạnh đó, đi vào chi tiết quy hoạch tỉ lệ 1:500 thì Cần Thơ chưa có kinh nghiệm mà việc này nên để cho nhà đầu tư triển khai. Vấn đề quan trọng là có đất sạch để giao cho nhà đầu tư.
Đại diện Quỹ đầu tư phát triển TP. Cần Thơ cho biết, đến tháng 12/2017 sẽ hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với khu logistics. Tuy nhiên, việc quy hoạch phải làm sao khai thác hiệu quả, đúng mục tiêu của logistics; vừa đảm bảo thực hiện dự án đã được phê duyệt và đảm bảo nhà đầu tư có thể đầu tư ngay.
Bà Bùi Ngọc Vỵ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khi lập quy hoạch thì cần xác định rõ các phân khu chi tiết của toàn bộ 242 ha của khu logistics, chỗ nào là chỗ đóng gói, chỗ nào sản xuất…
Trả lời câu hỏi của Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam về thời gian cần cho việc lập quy hoạch, bà Vỵ cho biết, nếu lập quy hoạch mới thì cần khoảng một năm còn nếu bổ sung thì chỉ cần điều chỉnh quy hoạch của các ngành có liên quan.
Dựa theo ý kiến của các sở, ngành tại cuộc họp, do quy hoạch khu logistics của Cần Thơ không trùng với quy hoạch chuyên ngành nào của thành phố trước đó nên ông Trương Quang Hoài Nam giao Sở Công Thương phối hợp Quỹ Đầu tư phát triển thành phố và Ban Quản lý các khu công nghiệp tiến hành lập quy hoạch khu logistics, sớm trình UBND thành phố thông qua để tiến hành mời gọi nhà đầu tư.
Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khu vực Tiểu vùng kinh tế trung tâm đồng bằng sông Cửu Long có một Trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh và thành phố: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng cạn, cảng sông (Cần Thơ, Mỹ Thới), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang).
Theo TTXVN
|