Nhiều năm qua, vận tải biển Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, vận tải biển đang có những chuyển biến tích cực, sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Vượt lên sóng gió
Năm 2016 với đội tàu Việt Nam vẫn là một năm khó khăn khi thị trường nhiều biến động tiêu cực. Các thị trường truyền thống của đội tàu Việt Nam đa số có tỷ suất lợi nhuận thấp. Các tuyến có giá cước khá như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bắc Trung Quốc thì tàu Việt Nam không đủ điều kiện để đi đến hoặc có thể đến nhưng thường xuyên bị bắt giữ, làm phát sinh nhiều chi phí không dự kiến trước được.
Những bế tắc trong năm 2016 tưởng chừng không thể giải quyết, hệ lụy đến các năm sau nhưng trong những tháng đầu năm 2017, vận tải biển Việt Nam đã có bước chuyển mình dù nhỏ nhưng đáng được ghi nhận. Do thực hiện tốt chính sách quyền vận tải nội địa nên đã tạo cơ hội cho đội tàu trong nước phát triển, đặc biệt là tàu container. Theo đó, số lượng tàu container mang cờ quốc tịch Việt Nam đã tăng lên 33 tàu (từ 19 tàu vào năm 2013). Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam cơ bản đã đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời…
Trong 6 tháng đầu năm 2017, sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện ước đạt 88,5 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển bằng phương tiện VR-SB trong 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước với khoảng hơn 10 nghìn lượt tàu.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung tàu, lượng hàng tăng trưởng thấp, giá cước giảm. Nhiều doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có các doanh nghiệp lớn tiếp tục thua lỗ. Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của đội tàu biển Việt Nam chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn Đông Nam Á và Đông Bắc Á hiện chỉ đảm đương khoảng 10% thị phần vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Nguyên nhân là do kém liên kết giữa các chủ tàu với nhau và chủ tàu với chủ hàng.
Về đội tàu biển, theo số liệu tại Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia, tính đến ngày 30/6/2017, Việt Nam có tổng số 1.617 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam đang hoạt động, với tổng dung tích gần 4,8 triệu GT, tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu DWT.
Vững bước đi lên
Vận tải biển là một lĩnh vực mang tính quốc tế hóa cao, do đó trước bối cảnh thị trường vận tải biển quốc tế và trong nước có diễn biến phức tạp với nhiều rào cản đã gây ra những khó khăn, thách thức cho lĩnh vực vận tải biển Việt Nam.
Chính vì vậy, nhằm tăng thị phần vận tải đường biển, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận tải và xây dựng chính sách để phát triển vận tải đa phương thức, logistics và kết nối hiệu quả các phương thức vận tải, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu vận tải biển đến năm 2020. Theo đó, tái cơ cấu vận tải đường biển theo hướng chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%; phát triển vận tải hành khách ven biển, hải đảo, phấn đấu đến năm 2020, thị phần vận tải hàng hóa là 21,25%, vận tải hành khách là 0,07% so với khối lượng vận tải toàn Ngành.
Đề án nêu rõ, phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dụng (tàu container, hàng lỏng…) và tàu trọng tải lớn. Đến năm 2020, tổng trọng tải đội tàu là 6,8 - 7,5 triệu DWT, trong đó tàu chở hàng khô là 4,72 - 5,21 triệu DWT, tàu chở hàng lỏng là 1,44 - 1,58 triệu DWT, tàu chở container là 0,68 - 0,72 triệu DWT; từng bước trẻ hóa đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt độ tuổi bình quân 12 năm; nâng dần thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu, kết hợp chở thuê một cách hợp lý; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics...
Để thực hiện được những nhiệm vụ này, Cục Hàng hải Việt Nam đã đưa ra giải pháp xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng (tàu container, hàng lỏng...) và tàu trọng tải lớn. Ngoài ra, ngành Hàng hải cần triển khai có hiệu quả Nghị định 30/2014/NĐ-CP về điều kiện (hàng rào kỹ thuật) cho việc thành lập doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải; xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ nhằm nâng dần thị phần vận chuyển hàng xuất nhập khẩu bằng đường biển của đội tàu biển Việt Nam; tiến hành khảo sát, thống kê, tổng hợp nhu cầu và xây dựng phương án công bố tuyến vận tải ven biển khu vực miền Trung và miền Nam; bảo đảm chia sẻ và giảm tải cho giao thông đường bộ; nghiên cứu, khảo sát mở các tuyến vận tải hành khách ven biển tới các đảo và giữa các đảo bằng tàu biển; lập đề án quản lý một cách hiệu quả, an toàn đội tàu dưới công ước (non-convention ships) theo đúng các quy định, thông lệ quốc tế, bao gồm cả đội ngũ thuyền viên đúng tiêu chuẩn cho đội tàu này, đảm bảo kết nối được với các nước trong khu vực ASEAN theo đúng chương trình kết nối tuyến vận tải ven biển giữa các nước ASEAN; nghiên cứu, khảo sát mở các tuyến vận tải hành khách ven biển tới các đảo và giữa các đảo bằng tàu biển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và khai thác đội tàu.
Có thể thấy rằng, mặc dù còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với những thách thức lớn nhưng vận tải biển Việt Nam đang từng bước vượt qua sóng gió để phát triển, khẳng định mình trong thị trường vận tải trong nước và quốc tế
Theo Tạp chí Giao thông.
|