TS Thái Văn Vinh
Viện Đại học Công nghệ Hoàng gia
Melbourne, Úc (RMIT University, Australia)
Viện Logistics Viết Nam (Vietnam Institute
of Logistics)
1. Tầm
quan trọng kinh tế của quản trị logistics và chuỗi cung ứng
Quản lý chuỗi cung ứng và logistics
đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam theo 2 cách thức sau. Thứ nhất,
logistics là một trong những chi phí chủ đạo trong kinh doanh, và vì thế sẽ có ảnh
hưởng đến và chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động kinh tế khác. Theo thống kê từ
Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics ở Việt Nam năm 2016 vẫn nằm ở mức cao,
khoảng 20.8% trong GDP trong khi chỉ đóng góp khoảng 3% vào GDP. Thứ hai,
logistics đóng vai trò chủ đạo hỗ trợ các hoạt động kinh tế khác thông qua việc
thúc đẩy hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hoá và dịch vụ. Theo thống kê
đánh giá dựa vào Chỉ số hoạt động Logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, năm
2018 Việt Nam xếp hạng thứ 39 trong số 160 quốc gia, đứng sau Thái Lan (hạng 32)
và Singapore (hạng 7). Mặc dù kết quả này là một tiến bộ so với vị trí thứ 53 vào
năm 2012, một nghiên cứu gần đây[1]
vẫn chỉ rõ rằng năng lực hệ thống logistics quốc gia của Việt Nam vẫn tồn tại
nhiều vấn đề ở tất cả các khía cạnh, bao gồm cơ sở hạ tầng, khung thể chế, năng
lực của nhà cung cấp dịch vụ logistics cũng như nhận thức và kỹ năng của các
đơn vị sử dụng dịch vụ logistics (sản xuất, chủ hàng). Ví dụ, về phương
diện thời gian và chi phí cho các hoạt động xuất nhập khẩu chủ đạo, Việt Nam vẫn
tụt hậu so với các quốc gia khác ở Đông Á và châu Á Thái Bình Dương, và những yếu
tố này trở thành rào cản để kết nối toàn cầu, thúc đẩy giao thương và mở rông
thị trường.
2. Một số
vấn đề hiện tại của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam
Là quốc gia nông nghiệp, nghành nông nghiệp
đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy vậy, đã có một số báo
cáo chỉ rõ những vấn đề lớn hiện hữu trong nghành liên quan đến sản phẩm và chuỗi
cung ứng nông nghiệp. Trong số này, vấn đề chính của chuỗi cung ứng nông nghiệp
Việt Nam là sự thiếu vắng một chuỗi cung ứng tích hợp toàn diện từ chặng đầu đến
chặng cuối của chuỗi vì khả năng kết nối thông tin yếu và thiếu, khi nông dân
chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái vì thiếu thông tin về thị trường. Điều này
dẫn đến việc cung và cầu sản phẩm nông nghiệp không kết nối chặt chẽ được với
nhau, và đến lượt mình dẫn đến một số vấn
đề về quy hoạch nuôi trồng cũng như cam kết lâu dài của người nông dân về sản
lượng, và tuân thủ các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm.
3. Chuỗi
cung ứng và logistics kết nối trên nền tảng IoT cho sản phẩm nông nghiệp
Thực tiễn hiện tại nói trên rõ ràng đã tạo
ra nhiều rào cản để đạt được hiệu quả và hiệu dụng trong nghành nông nghiệp Việt
Nam vì thiếu vắng khả năng nhìn thấy xuyên suốt trong toàn chuỗi cung ứng. Một
chuỗi hiệu quả và hiệu dụng phụ thuộc rất lớn vào nền tảng thông tin thông suốt,
sự phối hợp đồng bộ của tất cả các đơn vị tham gia trong chuỗi sản phẩm nông
nghiệp như nhà nông, nhà cung cấp nông ngư cụ và nguyên liệu, nhà thu mua bán sỉ,
nhà bán lẻ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và người tiêu dùng
trong một chuỗi có tính kết nối và phối hợp hoạt động cao dựa trên nền tảng IoT
và công nghệ thông tin và truyền thông. Một nền tảng như vậy sẽ tạo điều kiện
thuận lợi cho việc truy xuất theo thời gian thực các thông tin về nguồn gốc sản
phẩm, các giao dịch và tình trạng, cũng như việc quản lý và kiểm soát hiệu quả
trong toàn chuỗi. Điều này đến lượt mình sẽ giúp giảm tổng chi phí logistics và
nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Một mô hình khái quát của Chuỗi cung ứng
và Logistics Kết nối trên Nền tảng Internet Vạn vật cho Sản phẩm Nông nghiệp Việt
Nam được trình bày như sau.
|