|
Trong thế kỷ 21, Mỹ vẫn "bá quyền kinh tế" thế giới và Trung Quốc khó có thể phát triển thành sức mạnh đối đẳng với Mỹ. Để sinh tồn trong cuộc đua tranh với kinh tế Mỹ, báo điện tử "Liên hợp Buổi sáng" của Singapore cho rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều việc để phá vỡ sự bá quyền này, cũng như nắm trong tay các công nghệ mới.
Đối với Mỹ, sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào đều là thách thức đối với vai trò thống trị của nước này. Từ những năm 1950, khi Mỹ chính thức "ngồi" ở vị trí bá chủ kinh tế thế giới tới nay, nước này đã dùng chiến tranh tiền tệ để loại bỏ mối đe dọa về kinh tế từ Nhật Bản. Nhật từng được coi là nước giữ ngôi vị thứ hai thế giới đã trượt dốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện nay không thể so sánh với Nhật Bản lúc thịnh vượng về kinh tế, và khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ cũng lớn hơn khoảng cách giữa Mỹ-Nhật Bản trước đây. Việc Trung Quốc giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Mỹ có thể ví như “mong ước xa hoa.” Mục tiêu hiện thực nhất của Trung Quốc hiện này là làm sao nước này không bị suy thoái kinh tế.
Vậy Trung Quốc phải làm sao để có thể sinh tồn trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ? Một trong những nhiệm vụ ưu tiên và trước mắt là Bắc Kinh cần phá vỡ sự bá quyền kinh tế của Mỹ và xây dựng một hệ thống thương mại quốc tế nhiều đồng tiền.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã thành lập được hệ thống tiền tệ thế giới lấy đồng USD làm chủ đạo. GDP các nước trên thế giới đều được tính toán trên cơ sở lấy đồng tiền của Mỹ làm cơ sở.
Đồng USD cũng trở thành đồng tiền thanh toán trong thương mại quốc tế. Lợi ích mà sự bá quyền của đồng USD mang lại cho Mỹ nằm ở chỗ tài sản bằng đồng USD mà các nước trên thế giới tích lũy được trong thương mại quốc tế hoặc là được mang tới Mỹ tiêu dùng hoặc là cho người Mỹ vay để tiêu dùng.
Nếu tiêu dùng của Mỹ thấu chi quá nhiều, nước này còn có thể thông qua việc in thêm tiền (thực tế là những giờ giấy lộn) để đổi lấy "vàng nén bạc thỏi" thực sự của nước khác, tạo ra cục diện toàn thế giới nuôi nước Mỹ.
Hiện nay, đồng Nhân dân tệ vẫn chưa phải là đồng tiền thanh toán trong thương mại quốc tế. Trung Quốc đã ký hiệp định hoán đổi tiền tệ lẫn nhau với sáu nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc, Indonesia và Argentina, thực hiện thanh toán bằng đồng bản tệ trong thương mại quốc tế với Nga.
Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cũng đã phát hành một lượng nhỏ trái phiếu đồng Nhân dân tệ. Sự nghiệp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể nói đã đi được những bước nhỏ.
Khác với vị thế quốc tế yếu ớt của đồng Nhân dân tệ, đồng euro đã được sử dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế, trở thành đồng tiền thế giới có thể cạnh tranh với đồng USD. Trung Quốc nên lợi dụng thực lực kinh tế của mình để giúp đồng euro, cùng với Nga và EU xây dựng hệ thống tiền tệ thế giới mới, phá vỡ sự lũng đoạn của đồng USD bá quyền.
Xét về mặt công nghệ, ai nắm trong tay công nghệ mới, người đó nắm quyền chủ đạo tương lai thế giới. Xem xét lịch sử phát triển của thế giới, có thể thấy rằng bất cứ sự trỗi dậy của một nước lớn nào đều dựa trên cột đỡ kỹ thuật công nghệ.
Thời cổ đại, sở dĩ Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong thời gian dài là do Trung Quốc nắm trong tay bốn phát minh lớn (la bàn, kỹ thuật làm giấy, kỹ thuật in ấn, thuốc nổ), và sở hữu kỹ thuật làm gốm, sản xuất tơ lụa. Sự trỗi dậy của Anh xuất phát từ việc nước này có công nghệ máy hơi nước và đối với Đức là công nghệ chế tạo máy đốt trong.
Trong trường hợp của Mỹ, nước này trỗi dậy bằng công nghệ điện khí, công nghệ tin học và công nghệ không gian. Câu hỏi đặt ra là muốn phát triển Trung Quốc cần phải dựa vào cái gì? Đương nhiên, Trung Quốc không thể dựa vào lao động giá rẻ, cũng không thể nhờ cậy vào sự bùng nổ của thị trường bất động sản.
Câu trả lời cho con đường nâng cao sức cạnh tranh cốt lõi, đảm bảo sự phát triển của dân tộc Trung Hoa, thứ nhất nằm ở sự nghiệp phát triển những công nghệ mới chủ đạo tương lai thế giới, thứ hai thuộc về nỗ lực rút ngắn khoảng cách về công nghệ với Mỹ.
Vậy đâu là các công nghệ mới sẽ chủ đạo tương lai thế giới? Trước hết, đó là công nghệ năng lượng mới. Hiện nay, nguồn cung cấp năng lượng của thế giới chủ yếu đến từ dầu mỏ và than đá. Đây là hai loại năng lượng không thể tái sinh và có thể cạn kiệt trong mấy trăm năm, thậm chí là mấy chục năm tới.
Trong tương lai, nước nào nghiên cứu phát triển được loại năng lượng tái sinh thay thế được dầu mỏ và than đá như năng lượng hạt nhân, thủy điện, phong điện, điện Mặt trời, năng lượng sinh học, nước đó có thể nắm trong tay quyền chủ đạo thế giới.
Bên cạnh đó, công nghệ động cơ điện cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuyệt đại đa số động cơ cơ giới hiện này là chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu. Trong khi đó, năng lượng cung cấp cho đa số động cơ mới phát triển tồn tại dưới dạng tích điện. Nếu động cơ điện có thể thay thế động cơ xăng dầu và được ứng dụng rộng rãi duy trì hoạt động của ôtô, máy bay, xe tăng và tàu thuyền, ý nghĩa của nó sẽ không kém quan trọng so với một cuộc cách mạng công nghiệp hàng đầu.
Cuối cùng là công nghệ tái sử dụng tài nguyên. Nguồn tài nguyên của thế giới hiện nay là có hạn, dù là dầu mỏ hay than đá, quặng kim loại, do khai thác vô hạn độ sẽ có ngày cạn kiệt. Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đang phải "bôn ba" tìm kiếm tài nguyên khắp thế giới. Cho nên, nếu không thể phát triển công nghệ tái sử dụng tài nguyên, một khi chuỗi cung cấp bị đứt gẫy, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ khó có thể tiếp tục.
Do vậy, muốn tồn tại và duy trì phát triển trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc phải đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghệ năng lượng mới, công nghệ động cơ điện và công nghệ tái sử dụng tài nguyên, nhằm đạt được tiến triển mang tính đột phá trước Mỹ. Ai nắm trước được những công nghệ này, người đó sẽ chủ đạo tương lai thế giới.
Hiện nay, khoảng cách về công nghệ điện khí giữa Mỹ và Trung Quốc là tương đối ngắn, nhưng khoảng cách về công nghệ thông tin và công nghệ không gian vẫn rất lớn. Khi quan hệ Trung-Nhật căng thẳng, người Trung Quốc nhiều lần tự phát tẩy chay hàng Nhật, nhưng cho dù quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng tới đâu, người dân Trung Quốc cũng không tẩy chay hàng Mỹ. Nguyên nhân rất đơn giản, trong cuộc sống, người Trung Quốc không thể tách rời khỏi những sản phẩm của Mỹ.
Trên phương diện công nghệ không gian, xe hơi của người Trung Quốc lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Ở lĩnh vực công nghệ thông tin, CPU trong máy tính của người Trung Quốc bắt buộc phải có con chíp Intel hay AMD do Mỹ sản xuất, hoặc hệ điều hành, phần mềm văn phòng do hãng Microsoft của Mỹ thiết kế. Mạng Internet là do Mỹ phát minh và Mỹ kiểm soát 9 trong số 11 máy nguồn trên toàn cầu.
Nếu không vui, người Mỹ có thể cắt mạng nối với Trung Quốc khiến Trung Quốc mất đi sự liên hệ với thế giới. Người Mỹ cũng có thể điều khiển hệ điều hành khiến màn hình máy tính của người Trung Quốc trở nên đen kịt hoặc tác động vào “cửa sau” của CPU làm cho hệ thống máy tính của Trung Quốc tê liệt.
Từ đó có thể thấy trong cuộc cạnh tranh hiện nay với Mỹ, Trung Quốc đang trong thế bị động, lúc nào cũng có thể bị "ức hiếp" mà không dám phản kích một cách cứng rắn. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc Mỹ nắm trong tay các công nghệ then chốt và Trung Quốc phải lệ thuộc vào Mỹ, phải nhờ cậy Mỹ trong quá nhiều lĩnh vực.
Ngược lại, những gì mà Mỹ phải lệ thuộc và nhờ cậy Trung Quốc quá ít. Nếu có một ngày nào đó Trung Quốc giành được chút quyền bá chủ vũ trụ, mạng Internet, điện tử của Mỹ, Trung Quốc mới có thể ra đòn giáng trả bình đẳng khi đối mặt với sự thách thức của Mỹ.
Nhiệm vụ tiếp theo có thể là thành lập Liên minh châu Á, thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế khu vực. Châu Âu có Liên minh châu Âu (EU), châu phi có Liên minh châu Phi (AU), khu vực Mỹ Latinh cũng có Cộng đồng các nhà nước Mỹ Latin và Caribe.
Hiện nay, trên thế giới chỉ có châu Á là chưa có liên minh thống nhất của riêng mình. Nhân dịp cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, châu Á được phân phối số lượng Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do các nước châu Á đề cử, Trung Quốc có thể khởi xướng việc thành lập liên minh châu Á, tập hợp các nước Đông Á, Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á và Trung Á dưới một mái nhà chung, tiếp đó mời Nga gia nhập, hình thành liên minh kinh tế khu vực thực sự có sức mạnh và từng bước thúc đẩy sự nghiệp nhất thể hóa không chỉ về mặt về chính trị, mà còn kinh tế của châu Á.
Trụ sở chính của liên minh châu Á có thể đặt tại Hongkong hay Singapore. Tuy nhiên, cần phải quán triệt nguyên tắc Liên minh châu Á không thu nhận thế lực ngoài biên giới châu Á.
Hiện nay, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil được gọi là nhóm BRIC. Mới đây, Nam Phi cũng gia nhập nhóm BRIC, nên nhóm này được đổi thành nhóm BRICS. Tất cả thành viên BRICS đều là các nền kinh tế mới nổi, Trung Quốc nên đẩy mạnh sự hợp tác với các nền kinh tế mới nổi, tích cực thu nhận thành viên mới có sức ảnh hưởng trên trường quốc tế để của tổ chức này tiếp cận với nhóm G7 và nhóm G20.
Theo Vinanet
|