Trong năm 2010, cây ăn trái Việt Nam dù được các nhà chuyên môn đánh giá được mùa nhưng sức cạnh tranh với trái cây ngoại vẫn rất yếu, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có… Theo thống kê của Cục trồng trọt, nước ta có trên 775.000ha cây ăn trái, cung cấp cho thị trường 7-8 triệu tấn/năm. Thế nhưng, xuất khẩu chỉ chiếm trên dưới 300.000 tấn. Thạc sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đánh giá, trái cây nước ta rất phong phú về chủng loại và sản phẩm, nhưng vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu lại rất ít.
Ông Châu dẫn chứng, cả nước chỉ có vùng chuyên canh cây thanh long ở tỉnh Bình Thuận và Gò Công (Tiền Giang) được đầu tư bài bản, có khả năng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, còn những nơi khác chưa làm được.
Nhiều loại trái ngon như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri-6, nhãn xuồng cơm vàng… chưa được đầu tư đúng mức. Dù được đánh giá ngon nhưng không thể đẩy mạnh xuất khẩu được do ta sản xuất manh mún, chất lượng không ổn định, màu sắc, kích cỡ không đều... “Có trái ngon trong tay nhưng không có điều kiện bảo quản, xử lý sau thu hoạch thì trái có ngon cách mấy cũng không thể xuất khẩu được”- Ông Châu khẳng định. Thực tế, thanh long Bình Thuận vào được thị trường Mỹ, Pháp, Hàn Quốc… là nhờ được đầu tư nhà máy rửa, đóng gói và bảo quản sản phẩm hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, các nơi khác vẫn sử dụng biện pháp thủ công trong bảo quản sản phẩm (đóng vào cần xé, thùng giấy). Cục trồng trọt cho biết, nước ta có đến 25%-30% trái cây bị thối nhũn do bảo quản theo cách này nên không thể vận chuyển đi xa. Muốn mở rộng thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu trái cây, ngay bây giờ các nhà quản lý, các chuyên gia cùng các bộ ngành có liên quan nhất phải tổ chức lại sản xuất. Thực tế, chuyện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái xuất khẩu đã được Nhà nước phê duyệt cách nay hơn 10 năm, nhưng quá trình triển khai thực hiện rất ì ạch, thiếu năng động. Cốt lõi của vấn đề do chính sách hỗ trợ nông dân trong đầu tư sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Muốn người dân chuyển đổi cây trồng, cải tạo vườn tạp thành vùng chuyên canh cây ăn trái, đáp ứng xuất khẩu thì phải hỗ trợ cây giống, lãi xuất vay ngân hàng, vật tư… Bởi vì, cây ăn trái có đặc thù, nếu trồng mới thì ít nhất 3-5 năm sau mới bắt đầu cho thu hoạch, nên nông dân ngại đầu tư. Bên cạnh đó, cần mở lớp tập huấn, đào tạo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trồng cây theo tiêu chuẩn an toàn sinh học (VietGAP, Global GAP…). Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 5 năm qua đều tăng nhưng chủ yếu là trái cây đã qua chế biến, chứ trái cây tươi rất ít. Nguyên nhân do khâu bảo quản sau thu hoạch của ta quá yếu. PGS-TS Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục trồng trọt đề xuất: “Cần phải đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển trái cây. Có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các công ty, xí nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng chuyên canh…”.
Thạc sĩ Châu nói, cây ăn trái ở Trung Quốc phát triển được và xuất khẩu mạnh sang các nước vì họ có chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn trái. Cụ thể các công ty xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đều phải trích 1% lợi nhuận phục vụ lại việc phát triển cây ăn trái. |
Theo SGGP
|