|
Các giải pháp đưa ra sẽ đánh mạnh vào tổng cầu, giảm cung tiền khoảng 100.000 tỷ đồng, giúp giảm nhập siêu 3 - 4 tỷ USD để bớt áp lực lên tỷ giá.
Đây là tính toán của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khi trả lời Sài Gòn Giải Phóng về định hướng chính sách tiền tệ, cũng như những giải pháp ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong thời gian tới.
Ông Giàu cho biết, Thủ tướng đã kết luận 4 giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa để giảm tổng cầu. Thứ nhất là tăng thu ngân sách. Thứ hai, phấn đấu đạt mục tiêu bội chi ngân sách không quá 5%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đưa ra. Thứ ba, sẽ xem xét, sắp xếp lại danh mục đầu tư của năm 2011, những dự án công trình nào thủ tục chưa xong sẽ chuyển sang năm sau, công trình nào hiệu quả không cao sẽ dừng lại. Thứ tư, sẽ tiết kiệm chi thường xuyên 10%.
Với Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép kiểm soát tín dụng trong năm 2011 tăng dưới 20%, thậm chí ở mức 18% - 19% để tác động giảm tổng cầu, thay vì định hướng 23% đưa ra trước đó.
Tính toán mà ông Giàu đưa ra, với việc giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20% (so với kế hoạch là 23%) thì sẽ giảm khoảng 50.000 tỷ đồng. Cùng với 4 giải pháp về chính sách tài khóa sẽ giảm được trên 60.000 tỷ đồng nữa, cung tiền sẽ giảm khoảng trên 100.000 tỷ đồng.
“Khi những giải pháp này được công bố, các doanh nghiệp sẽ tính toán để không mở rộng quy mô. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu những hàng hóa, nguyên liệu đầu vào sẽ cân đối lại để nhập vừa phải. Tôi nghĩ, nếu đồng lòng, quyết tâm thực hiện các giải pháp này thì sẽ có hiệu quả rất nhanh. Nếu giảm tổng cầu khoảng trên 100.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 30% - 40% là nhập khẩu thì tự khắc sẽ giảm nhập siêu 3 - 4 tỷ USD, tạo được tác động tốt cho thị trường ngoại hối và chính sách tỷ giá”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu dự tính.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong tuần này, các giải pháp ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát sẽ được đưa ra cụ thể và triển khai.
Theo VnEconomy
|