Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam (TACNVN) vừa có văn bản gửi các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc yêu cầu các DN thực nghiêm túc quy định của Cục Bảo vệ thực vật, phải thể hiện trong hợp đồng mua bán nguyên liệu nông sản các nước, nhất là Ấn Độ phải ghi rõ hàng nông sản bán sang Việt Nam phải được hun trùng, khử trùng 5 loại mọt, nếu kiểm tra tại nước nhập vẫn còn sẽ bị tái xuất và chịu mọi phí tổn.
Quý 4-2010 các DN đã tái xuất trên 50.000 tấn bắp, khô đậu nành gây thiệt cho DN 16-20 triệu USD. Từ đầu năm đến 10-2 có thêm 44.500 tấn bắp và khô đậu nành đang bị lưu giữ trên tàu neo đậu ngoài cảng, chưa cho thông quan. Nếu tái xuất thì DN lại bị thiệt 15-16 triệu USD. Để tránh giải quyết tình trạng này, Hiệp hội TACNVN đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xem xét vướng mắc, hầm tàu nào không bị nhiễm mọt nguy hiểm, dùng biện pháp phủ bạt che chắn, cách ly để thông quan, không nhất thiết một hầm tàu bị mọt tất cả phải tái xuất. Những tàu nhỏ cho hun trùng bình thường, tàu có dung tích lớn cho sang mạn sà lan để hun trùng, chi phí doanh nghiệp chịu. Bộ NNPTNT làm việc trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Ấn Độ về những nội dung kỹ thuật như quy định của Cục BVTV.
Thực tế, hàng hóa từ Ấn Độ về Việt Nam chỉ khoảng 15-20 ngày, trong khi từ Mỹ hoặc Argentina về cần 35-50 ngày. Giá của Ấn Độ cũng rẻ hơn so với 2 nước trên từ 35USD-40USD/tấn, nhưng lại chưa đảm bảo về chất lượng theo quy định này. Hiện nay các nhà máy đang khan hiếm nguyên liệu, cùng với tỷ giá hối đoái USD thị trường tự do dao động theo chiều hướng ngày càng tăng, sẽ tiếp tục đẩy giá thức ăn chăn nuôi lên cao, bà con chăn nuôi lãnh đủ.
Theo SGGP
|