|
Hội thảo “Kinh tế Việt Nam – những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện KHXH Việt Nam, tổ chức, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tài trợ đã diễn ra tại Tp. Cần Thơ ngày từ ngày 10 - 11/3/2011.
Hội thảo nhằm đánh giá những vấn đề kinh tế vĩ mô chủ yếu giai đoạn 2006 – 2010, nhận diện và phân tích những hạn chế, tồn tại trong mô hình và chất lượng tăng trưởng cũng như những vấn đề thể chế và điều hành chính sách dẫn tới những bất ổn vĩ mô trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất các kiến nghị thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Theo ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam hiện đang phải tiếp tục đối mặt với những bất ổn vĩ mô gia tăng mạnh trong những năm gần đây, như lạm phát cao, tỷ giá biến động mạnh, nhập siêu tăng mạnh, thâm hụt cán can thanh toán cao và kéo dài, dự trữ ngoại hối thấp, thâm hụt ngân sách, dư nợ chính phủ, dư nợ quốc gia đều tăng cao, niềm tin của thị trường vào điều hành kinh tế vĩ mô bị suy giảm… Dù đã bước vào danh sách các nước có thu nhập trung bình (trên 1.000 USD), nhưng về mặt xã hội, ông Hiền cho rằng, vẫn còn những hạn chế của một nước có thu nhập thấp, chưa được giải quyết như chênh lệch giàu nghèo cao, tỷ lệ nghèo còn cao ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, chất lượng giáo dục và y tế thấp…
Về tình hình cơ bản của giai đoạn 2006 – 2010, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế TƯ, thì hàng năm Chính phủ Việt Nam phải nỗ lực rất lớn trong điều hành để kìm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Các giải pháp thực thi chủ yếu mang tính tình thế và ngắn hạn, nặng về hành chính. Kết quả của các biện pháp chữa cháy đó là: phải trả giá bằng sự hao tổn nguồn lực quốc gia rất lớn, suy giảm lòng tin; sau đó cả Chính phủ và nền kinh tế lại bước vào một chu kỳ ngắn hạn mới là, tiếp tục đương đầu với tình trạng bất ổn mới và nguy cơ lạm phát ngày càng gay gắt hơn. Sự tái diễn hàng năm một chu kỳ như vậy chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu hướng suy thoái rất đáng lo ngại. Chính các biện pháp cấp bách mang tính “cấp cứu” trên chỉ có thể giúp nền kinh tế qua cơn nguy kịch, không thể giúp nó phục hồi sức khỏe và có được một cơ thể cường tráng. Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH Tp.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Tp.HCM cho rằng, việc đề ra các biện pháp mang tính ngắn hạn nêu trên là cần thiết cho một giai đoạn cụ thể. “Không thể phủ nhận được tính cần thiết và cấp bách của những giải pháp chữa cháy vừa qua. Tuy nhiên, đã đến lúc ta phải tính đến các kế hoạch cho trung hạn và sau đó là dài hạn. Không thể cứ mải miết “chữa cháy” như vừa rồi!”
Vấn đề được đặt ra, theo các chuyên gia đó là phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nào. Vì trên thực tế, các tài liệu, văn bản cùng nhiều hội nghị hội thảo của ta, bàn nhiều về “tái cấu trúc” nền kinh tế, nhưng nó là gì? Ra làm sao? Thì nhiều người còn mơ hồ, chưa hình dung được một cách cụ thể, chỉ nói chung chung. Theo đó, nhiều chuyên gia tại hội thảo đồng ý rằng trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, cần theo xu thế giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư trong xã hội; đồng thời tăng cường mạnh mẽ hiệu quả và chất lượng của đầu tư công. TS. Tô Trung Thành, ĐHKTQD Hà Nội nhấn mạnh: Cần tạo cơ hội bình đẳng hơn nữa cho các nguồn vốn đầu tư khác của xã hội; tạo ra các cơ chế hiệu quả để huy động tối đa các nguồn vốn tư nhân, giảm dần sự phụ thuộc, trông chờ vào NSNN. Không nên phân bổ đầu tư nhà nước vào các ngành mà khu vực tư nhân có thể đảm nhiệm và đảm nhiệm tốt.
Về vấn đề tái cấu trúc DNNN, nhiều ý kiến cho rằng cấn phải sửa đổi ngay những quy định không phù hợp đang cản trở quá trình CPH DNNN trong suốt ba năm qua liên quan đến việc xác định giá trị của DN, việc chọn đối tác chiến lược, hay bán cổ phần ưu đãi cho người lao động… TS Trần Du Lịch đề nghị dừng ngay việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính không phù hợp với quy luật phát triển DN. Song song, cần xem xét, đánh giá lại các tập đoàn đã được thành lập trong thời gian qua, nếu cần phải sắp xếp lại. Chính phủ không bảo lãnh tín dụng hay cho vay chỉ định đối với DNNN và đặc biệt, phải buộc tất cả các DNNN phải công bố thông tin như quy định đối với các DN niêm yết trên TTCK. Ông Lịch cũng kiến nghị nên luật hóa việc quản lý vốn kinh doanh nhà nước, ví dụ xây dựng Luật quản lý vốn nhà nước.
Xuân Thái
|