Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA 2011) do Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ TPHCM (HAWA) và Công ty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ Liên Minh tổ chức diễn ra từ ngày 11-3 đến 14-3, tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), trở thành một chuỗi trong 7 hội chợ của khu vực Đông Nam Á.
76 quốc gia và vùng lãnh thổ, 1.000 khách nước ngoài
Tham gia hội chợ lần thứ 4 có 150 doanh nghiệp với 650 gian hàng, tăng 10% so với quy mô gian hàng năm ngoái. Các doanh nghiệp trưng bày không chỉ đến từ những trung tâm chế biến đồ gỗ lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định mà còn từ nhiều địa phương khác trong cả nước như Gia Lai, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Long An… cho thấy, phạm vi ngày càng mở rộng của VIFA.
Nhiều doanh nghiệp nằm trong danh sách tốp các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ điển hình cả nước như AA, Casarredo, Farm House, Global Home, Hiệp Long, Hố Nai, IFC, Interwood, Koda, Thịnh Việt, Tiến Triển… làm cho chất lượng, mẫu mã sản phẩm trưng bày khá phong phú.
Mặt hàng đồ gỗ chiếm 63% gian hàng trưng bày, nguyên - phụ liệu, máy móc ngành gỗ 23%, thủ công mỹ nghệ - trang trí nội thất 15%. Khoảng 10% gian hàng là các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Mỹ, Czech, Singapore…
Hơn 1.000 khách mua hàng từ 76 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đăng ký đến với VIFA 2011, trong đó khách hàng châu Á chiếm là nhiều nhất, kế đến là châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, kể cả châu Phi. Quốc gia có nhiều khách đăng ký tham quan là Mỹ, Úc, Malaysia, Anh, Ấn Độ, Hồng Công (Trung Quốc), Đức, Canada, Pháp, New Zealand, Hà Lan, Thái Lan, Nhật Bản… nhằm tìm kiếm đối tác mới, sản phẩm mới và đặt hàng.
Trong khuôn khổ hội chợ, hội thảo “Vai trò của các nhóm người mua hàng Đức và xu hướng thời trang đồ gỗ của Hội chợ IMM Cologne” (do Tổng Biên tập Tạp chí Đồ gỗ Đức Moebel Markt trình bày), tọa đàm “Tính hợp pháp của sản phẩm gỗ dành cho các nhà xuất khẩu” (do Phòng Thương mại Mỹ, Liên minh gỗ Hợp pháp, Hiệp hội gỗ Anh và HAWA phối hợp thực hiện) và hội thảo “Thực trạng nguồn nguyên liệu gỗ cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam và chiến lược phát triển của Chính phủ trong 10 năm tới” (do Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Biên, Bộ NN-PTNT báo cáo) cũng là những điểm nhấn bên lề hội chợ.
Năm nay, lần đầu tiên, ban tổ chức chấm và trao giải thiết kế gian hàng đẹp nhằm khuyến khích và biểu dương các doanh nghiệp tham gia đầu tư sáng tạo, nâng cao hiệu quả trưng bày, tăng vẻ mỹ quan, đẳng cấp của hội chợ để ngày càng xứng tầm một hội chợ quốc tế trong khu vực. Danh bạ Đồ gỗ Việt Nam (Vietnam Furniture Directory) lần thứ hai với nhiều cập nhật bổ sung so với lần phát hành thứ nhất (phát hành năm 2009) cũng sẽ được ấn làm cầu nối thông tin giữa các nhà nhập khẩu nước ngoài với nhà sản xuất đồ gỗ trong nước.
Điểm sáng thu hút đầu tư
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA, vị thế của ngành chế biến gỗ Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể thời gian qua. Nhà đầu tư và khách hàng nước ngoài chuyển từ các quốc gia trong khu vực sang Việt Nam ngày càng nhiều, nhờ đó khách hàng nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ chế biến ngày càng mở rộng.
Ngay cả các nước trong khu vực cũng có cái nhìn tôn trọng hơn đối với ngành chế biến gỗ Việt Nam và khẳng định vị trí xuất khẩu đứng đầu trong khu vực, trở thành điểm sáng thu hút đầu tư trong ngành chế biến gỗ. Những điều này không thể đến một sớm một chiều mà là kết quả của sự đầu tư đúng hướng, xây dựng được niềm tin, uy tín… đối với khách hàng.
Trước đó, cuối năm 2010, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Vongkot Tangsubkul, Chủ tịch Hội đồng Đồ gỗ Đông Nam Á (AFIC) cho biết, Việt Nam là thành viên mới nhất của AFIC gồm 7 hiệp hội đồ gỗ của các nước thành viên và mằm trong chuỗi Hội chợ Đồ gỗ và trang trí nội thất Đông Nam Á, với mục tiêu là cùng phát triển và phát huy thế mạnh từng nước, qua đó, VIFA hưởng lợi từ hiệu quả quảng bá của AFIC đến các khách hàng ở những thị trường tiềm năng Mỹ, Nhật, châu Âu…
Các hội chợ trong khu vực tổ chức tiếp nối trong khoảng thời gian nhất định giúp khách hàng nước ngoài đến lần lượt các hội chợ để tìm đối tác. Hiện nay, hội chợ tại Singapore thu hút khách hàng nhiều nhất, nhưng Singapore lại không có nhà máy chế biến (nằm tại các nước khác trong khu vực). Malaysia từng là nước dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong vùng, nhưng hội chợ tại đây kém đa dạng, sử dụng chủ yếu nguồn nguyên liệu trong nước (gỗ cao su).
VIFA Việt Nam tuy còn nhỏ về không gian trưng bày nhưng lại là hội chợ có tính đa dạng nhất. Nguyên liệu gỗ tùy theo yêu cầu của khách hàng từ gỗ tràm trồng trong nước đến nguyện liệu gỗ cao su, gỗ thông… nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Myanmar… Hạn chế của VIFA chính là không gian chưa thể mở rộng như các hội chợ trong khu vực. Điều này lại nằm ngoài khả năng của ban tổ chức, do khu vực tổ chức hội chợ chưa được xây dựng mở rộng.
Tuy nhiên, cũng như các lĩnh vực khác, ngành chế biến gỗ hiện nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn như vấn đề tỷ giá đồng Việt Nam với USD, giá điện tăng, lãi suất ngân hàng quá cao và chưa có điểm dừng. Giá lao động sau khi tăng 18% đầu năm, giờ đây rục rịch phải tăng tiếp để giữ chân người lao động. Ngành vận tải công bố tăng trên 10% giá cước, các lĩnh vực khác cũng tăng theo đã làm chi phí đầu vào tăng mạnh nhưng hợp đồng đã ký, rất khó điều chỉnh lại.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện hợp đồng để giữ uy tín khách hàng. Vì vậy, theo ông Trần Đức Mạnh, Phó Chủ tịch HAWA, Tổng giám đốc Công ty CP Sadaco, vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là phải tự cứu mình, tìm mọi cách giảm chi phí, làm sao để trụ lại, bởi khó khăn nay chỉ là tạm thời.
Theo SGGP