Từ 22 giờ ngày 29.3, giá xăng dầu trong nước tăng thêm từ 2.000 - 2.800 đ/l. Cụ thể, xăng RON 92 tăng 2.000 đ/l, từ 19.300 đ/l lên 21.300 đ/l, dầu diesel tăng 2.800 đồng/l, lên 21.100 đồng/l, dầu hỏa tăng 2.600 đồng/l lên 20.800 đ/l, dầu ma-dút tăng 2.000 đ/kg lên 16.800 đ/kg.
Theo Liên bộ Tài chính -Công thương, do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng khiến kinh doanh xăng dầu trong nước gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, chênh lệch giữa giá trong nước với các nước lân cận (Trung Quốc, Lào, Campuchia) cũng được kéo giãn, vào khoảng 4.800 - 7.000 đ/l tùy theo từng mặt hàng và từng nước khiến tình trạng buôn lậu xăng dầu ở khu vực các tỉnh phía Nam diễn ra rất phức tạp.
Trong khi đó, các giải pháp về tài chính khác đã áp dụng hết như thuế nhập khẩu giảm về mức 0% và Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết. Bởi vậy, việc tăng giá xăng dầu để giảm bao cấp một bước về giá xăng dầu và để phản ánh đúng giá hàng hóa, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu là cần thiết.
Theo Liên bộ Tài chính -Công thương, mức tăng nói trên chưa tính đủ các yếu tố hình thành giá, chưa tính lợi nhuận cho các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối. Để giảm tác động của việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, Nhà nước tiếp tục giữ mức thuế nhập khẩu 0% với tất cả các mặt hàng xăng dầu và yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí kinh doanh.
Trước đó, tình trạng thiếu xăng dầu do các đại lý găm hàng đã diễn ra ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Kiên Giang do rò rỉ tin xăng dầu tăng giá.
Trước tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới rất nóng bỏng do giá xăng ở Campuchia đã lên tới 27.000 đ/lít (chênh gần 8.000 đ/l so với giá trong nước lúc chưa điều chỉnh). Ông Vương Thái Dũng, Phó TGĐ TCT xăng dầu VN (Petrolimex), cho biết Ban chỉ đạo 127 T.Ư đã có cuộc họp khẩn, chỉ đạo các đầu mối kiểm soát chặt chẽ việc cung ứng cho các cửa hàng ở khu vực biên giới, bằng cách ký hợp đồng trực tiếp cho đại lý, tổng đại lý. Yêu cầu các tổng đại lý xác định nhu cầu xăng dầu tại khu vực địa bàn biên giới, trên cơ sở sản lượng cung ứng cùng kỳ và hợp đồng đã ký, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tại địa bàn. Các đầu mối có trách nhiệm chỉ đạo các cửa hàng chỉ bán trực tiếp cho phương tiện đi lại, trường hợp mua phục vụ sản xuất phải có xác nhận của chính quyền địa phương. “Petrolimex yêu cầu các cửa hàng tại biên giới chỉ bán từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, cái gì giảm thiểu được buôn bán xăng dầu qua biên giới đều phải làm”, ông Dũng cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết tình trạng một số cây xăng tại Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang… bán xăng nhỏ giọt là do có yếu tố đầu cơ. Bộ Công thương sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát các vi phạm đối với 159 cây xăng vi phạm trong lần trước, để truy ngược trách nhiệm lên tổng đại lý, đầu mối. Dự kiến sẽ có hai đoàn kiểm tra ở hai miền Bắc và Nam.
Ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết Vụ này đã có văn bản gửi 4 tỉnh giáp ranh biên giới là Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang và An Giang đề nghị Sở Công thương rà soát lại tình hình và báo cáo lên Bộ. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng quy chế quản lý xăng dầu biên giới, trong tháng 4 sẽ ban hành. Về nguyên tắc, quy chế này sẽ quy định giảm tối đa bán vào phi, can, chỉ bán thẳng vào các phương tiện.
Theo TNO