Doanh nghiệp có khả năng ứng dụng thương mại điện tử càng cao càng có cơ hội làm ăn với Mỹ
Ngày 30-3 tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam – Hoa Kỳ đã tổ chức hội thảo Xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Mỹ thông qua thương mại điện tử (TMĐT).
Thị trường hấp dẫn
Theo Bộ Công Thương, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nước Mỹ có 310 triệu dân, thu nhập đầu người đạt hơn 40.000 USD/năm, trong khi cơ cấu nền kinh tế ngày càng thu hẹp sản xuất do chi phí sản xuất ngày càng cao, không có sức cạnh tranh. Phần lớn các DN Hoa Kỳ đều chuyển sản xuất ra nước ngoài hoặc chuyển sang dịch vụ. Năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đạt 1.903 tỉ USD, trong đó mặt hàng tiêu dùng chiếm 37,8%. Vì vậy, Mỹ trở thành thị trường hấp dẫn đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu.
Ông Nguyễn Duy Khiêm, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương, nhận xét Việt Nam có rất nhiều cơ hội ở thị trường Mỹ nhưng đây là thị trường có nhiều thách thức, cạnh tranh quyết liệt vì các quốc gia xuất khẩu đều tìm cơ hội đến Mỹ. Năm 2010, kim ngạch buôn bán hai chiều của Việt Nam với Mỹ đạt 18 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt 14 tỉ USD, tăng 25% so với năm trước. Con số này chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ chiếm chưa đến 1% tổng nhập khẩu của Mỹ.
Vì đến sau nên DN Việt Nam khó cạnh tranh hơn so với DN các nước đã trụ vững ở Mỹ. Đối với những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép… Trung Quốc đã là nhà cung cấp số 1 cho Mỹ với thị phần lên đến 50% và 70%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tăng thị phần ở Mỹ nếu xác định được phân khúc thị trường.
Theo ông Khiêm, người Mỹ tiêu dùng rất lớn, đàn ông có thể có cả chục đôi giày, phụ nữ có thể có 20-30 đôi nhưng không phải giày nào cũng bán được ở Mỹ. Người giàu sắm giày Ý, người nghèo mua giày không thương hiệu với giá bán mà DN Việt Nam không thể sản xuất được. Vì thế, Việt Nam khó cạnh tranh ở Mỹ nếu nhắm vào phân khúc thị trường cao cấp hoặc giá rẻ. Nếu cạnh tranh ở phân khúc từ trung bình đến khá, Việt Nam có thể đáp ứng được nếu biết tận dụng giá nhân công rẻ.
Chọn cách đi ngắn nhất
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết từ năm 1990, khi chưa có quan hệ ngoại giao với Mỹ, VCCI đã tổ chức một số đoàn đi tìm kiếm thị trường ở Mỹ. Việt Nam bắt đầu có quan hệ thương mại với Mỹ từ năm 1995 nhưng giao thương thực sự phát triển từ năm 2001 (khi có Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ). Hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là nguyên liệu thô (nông sản) và hàng gia công (giày dép, dệt may). Ông Dũng nhấn mạnh trong thời điểm này, DN phải chủ động tìm phương thức kinh doanh mới, đạt lợi nhuận cao nhất bằng cách ứng dụng TMĐT và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ông Allan Yau, người phụ trách thị trường của Tập đoàn Alibaba.com (website giao thương trực tuyến của các DN trên thế giới), cho biết tính đến cuối năm 2010, trên Alibaba.com có 18 triệu thành viên quốc tế đăng ký từ 240 quốc gia trên thế giới. Trong đó, số lượng thành viên từ Mỹ chiếm 16,3%, thành viên từ Việt Nam là 150.000. Tham gia vào website này, các DN thực sự có cơ hội tiếp cận với hàng triệu người mua trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng với các giao dịch chỉ cần nhấp chuột. Các thủ tục hải quan, thuế, cấp C/O đều đã được điện tử hóa.
Ông Nguyễn Duy Khiêm đánh giá TMĐT là một kênh tiếp cận thị trường Mỹ rất đáng quan tâm vì chi phí thấp và có hiệu quả. Để bán được hàng sang Mỹ, DN không nhất thiết cứ phải đến tận Mỹ mới có cơ hội. Muốn làm ăn với Mỹ, khả năng ứng dụng TMĐT càng cao càng có cơ hội vì hiện nay, Mỹ là nước ứng dụng TMĐT lớn nhất thế giới. DN Việt Nam chí ít phải có website tự giới thiệu về mình một cách bài bản, chuyên nghiệp để tạo niềm tin với đối tác.
Theo NLĐ