Từ ngày 1-4-2011, mặt hàng giày mũ da của Việt Nam (VN) xuất khẩu vào thị trường EU chính thức không còn chịu mức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) 10% kéo dài trong 4 năm qua. Trở lại thế cạnh tranh công bằng, ngành da giày VN có nhiều thuận lợi trong xuất khẩu. Tuy nhiên, với một năm chịu kiểm soát, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho giày mũ da VN.
Thêm cơ hội cạnh tranh
EU hiện vẫn là thị trường xuất khẩu chính của giày dép VN, chiếm 50% thị phần xuất khẩu toàn ngành. Tuy những năm gần đây, xuất khẩu giày dép của VN vào EU đều đạt tăng trưởng ở mức cao nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ngành da giày đề ra. Một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự bứt phá của ngành da giày đó là việc EU áp thuế CBPG kéo dài trong 4 năm và chấm dứt thuế quan ưu đãi (GSP) dành cho VN từ năm 2009.
Theo thống kê của Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), trước khi bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thuế CBPG giày mũ da, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng giày dép vào thị trường EU ở hầu hết các DN chiếm tỷ lệ cao từ 60% - 80%. Sau thời gian áp thuế lên 33 mã hàng có mũ da, tỷ lệ này giảm chỉ còn khoảng 50%. Trong năm 2010, xuất khẩu giày dép vào thị trường EU chỉ đạt kim ngạch 5,09 tỷ USD, so với mục tiêu 5,3 tỷ USD đặt ra trước đó.
Với việc EU chấm dứt áp thuế CBPG giày mũ da, giày dép VN hy vọng sẽ có thuận lợi hơn trong xuất khẩu năm nay, mục tiêu đạt 5,5 tỷ USD trong năm 2011 là điều có thể. Vì sau khi EU bỏ áp thuế, ngành da giày sẽ có cạnh tranh công bằng hơn với nhiều nước xuất khẩu giày dép khác khác trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Campuchia... Nhiều đối thủ cạnh tranh kể trên vẫn có thế thuận lợi khi còn được hưởng các chính sách ưu đãi ở thị trường EU.
Để tránh rủi ro khi phải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn, các doanh nghiệp ngành da giày VN đã chuyển hướng, tăng xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ và bước đầu đã gặt hái thành công. Trong năm 2010, dù xuất khẩu giày dép vào EU giảm nhưng tăng trên 25% ở thị trường Mỹ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ đang mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp VN và nhiều nước khác để chia lại miếng bánh thị phần mà giày dép Trung Quốc đang chiếm giữ phần lớn tại thị trường này. Tuy nhiên, sự đổi mới trong công nghệ sản xuất giày cũng như những tiêu chuẩn an toàn sức khỏe ngày một cao cũng là thách thức cho giày dép VN, nhất là khi Mỹ đã áp dụng Đạo luật an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSIA).
Rủi ro tiềm ẩn
Giày mũ da không còn bị áp thuế 10% (chưa cộng mức thuế hiện hành) khi xuất khẩu vào EU là đều tốt. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh cạnh tranh công bằng với Trung Quốc, giày VN có bất lợi sau khi bỏ áp thuế. Trước đây, EU áp mức thuế đối với giày mũ da VN là 10%, Trung Quốc đến 16,5%. Mức chênh lệch 6,5% mà giày mũ da Trung Quốc chịu thuế cao hơn đã phần nào tạo cho giày mũ da VN “dễ thở” hơn chút. Nay khi trở lại thế cạnh tranh công bằng, vô tình giày VN gặp bất lợi trong cạnh tranh tay đôi với giày Trung Quốc!
Dù đã bỏ áp thuế từ 1-4-2011 nhưng EU vẫn tiếp tục kiểm soát bằng cơ chế giám sát đối với mặt hàng này trong một năm. Cơ chế này cũng giống như ngành dệt may chịu cơ chế giám sát của Mỹ trước đây. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực trong việc điều tiết xuất khẩu để EU không có cơ sở áp thuế trở lại. Hai vấn đề mà ngành da giày VN phải chú trọng đó là giữ “độ nóng” của tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường EU và giá bán không được thấp hơn so với các nước sản xuất giày trong EU.
Về vấn đề này, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, nhận xét, với tình hình hiện nay, khi lạm phát và chi phí, nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng cao thì việc giá bán thấp là đều không thể xảy ra. Dù đã không còn bị áp thuế, giá bán trở lại bình thường nhưng doanh nghiệp VN cũng nên tận dụng thuận lợi về thị trường để tăng giá bán. Tuy nhiên, ngành da giày VN cũng cần đặc biệt lưu ý giữ mức tăng trưởng bình thường, không tăng quá nhanh. Cần thận trọng hơn khi điều tiết xuất khẩu vào EU trong năm bị kiểm soát.
Hiện nay, VN đang là điểm dịch chuyển sản xuất, đơn hàng từ các nhà máy ở Trung Quốc và các nước lân cận. Trong hoàn cảnh bị kiểm soát, Bộ Công thương và ngành da giày VN phải có công cụ kiểm soát tốt việc truy rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O). Đừng để chúng ta rơi vào cảnh trung chuyển giúp các nước, hậu quả chúng ta sẽ lãnh đủ vì vướng vào tăng trưởng nóng! Thực tế, hàng của một số nước lân cận xuất khẩu đi nước ngoài qua cảng biển VN. Trong trường hợp này, hàng xuất từ VN nhưng C/O phải ghi rõ nước sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất giày ở Trung Quốc cũng đang chịu cơ chế giám sát trong một năm, có thể họ sẽ chuyển những rủi ro sang các nước khác. Do vậy, doanh nghiệp VN cũng nên thận trọng khi tiếp nhận những đơn hàng gia công, lắp ráp “nhạy cảm” về giày mũ da.
Theo SGGP