Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc quý 1 năm nay tăng trên 121% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,17 tỉ USD. Khác với các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước khác, doanh nghiệp (DN) VN đang tận dụng tốt các ưu đãi từ việc giảm thuế nhờ FTA ở thị trường Hàn Quốc.
Các mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch cao như hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, bánh kẹo, thủy hải sản, cà phê...
Xuất ba tháng gần bằng nửa năm
Sáng 18-4, rất đông DN ngồi hàng dài ở Phòng quản lý xuất nhập khẩu khu vực TP.HCM (thuộc Bộ Công thương) chờ đến lượt cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), phần đông làm thủ tục C/O form AK (xuất khẩu hàng đi Hàn Quốc) để được hưởng ưu đãi thuế thay vì chứng nhận xuất xứ thông thường như những năm trước.
Nhân viên một công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu thủy hải sản tại Cà Mau cho rằng hiện hàng xuất sang Hàn Quốc rất tốt. Mỗi tháng công ty này xuất khẩu 40-50 container. Tương tự, ông Huỳnh Thanh Tân, giám đốc Công ty cổ phần Chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau, cho hay xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc hiện đang rất sôi động, trong đó nhu cầu tập trung khá lớn ở các mặt hàng tôm, mực, chả cá.
Bà Phạm Minh Hương, phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, cho biết chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sợi và chỉ may của Phong Phú sang Hàn Quốc xấp xỉ gần bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2010, tương ứng khoảng 5 triệu USD.
Theo bà Hương, dù con số còn khá khiêm tốn nhưng rõ ràng thị trường Hàn Quốc đang rộng cửa chờ DN VN khai thác. Cũng theo bà Hương, một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của các DN xuất khẩu sang thị trường này diễn ra khá nhanh nhờ được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong FTA ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), trong đó mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0%, hàng may được giảm từ 13% xuống 0%...
Kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc
Dệt may, da giày, nông sản chờ bứt phá
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Hàn Quốc trong hai tháng đầu năm nay đạt 111 triệu USD, tăng 133,87%, da giày tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn các mặt hàng như sắn và tinh bột sắn, bánh kẹo, đồ gỗ... cũng đạt mức tăng trưởng trên dưới 100%.
Theo các DN, tăng trưởng trong kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc không chỉ nhờ yếu tố tăng giá theo xu thế chung của các thị trường, mà số lượng hàng tăng cũng đáng kể.
Ông M., đại diện một công ty chuyên gia công “vệ tinh” cho một liên doanh may mặc Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết hằng tháng công ty sản xuất khoảng 30.000 áo sơmi để chuyển cho DN Hàn Quốc xuất đi với giá gia công 1,2-1,5 USD/áo. “Số hàng này tăng khoảng 7.000 áo/tháng so với trước khi có hiệp định. Dự kiến tăng lên khoảng 40.000 áo trong các tháng tới” - ông M. chia sẻ.
Trong khi đó, các DN xuất khẩu hàng nông sản cho biết thị trường Hàn Quốc khá chuộng trái cây và rau củ quả của VN. Tại các cảng khu vực phía Nam thường xuyên có các lô hàng nông sản xuất đi Hàn Quốc, điển hình như Công ty Long Uyên - Tiền Giang vừa xuất khẩu lô hàng gần 16 container khoai mì, xoài... sang Hàn Quốc.
Ở ngành da giày, dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhưng theo ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, phần lớn đơn hàng đều tập trung ở các DN liên doanh có đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc theo chỉ định của công ty mẹ. Số lượng các DN xuất khẩu trong nước có được đơn đặt hàng trực tiếp từ Hàn Quốc vẫn khá khiêm tốn.
Theo ông Kiệt, nếu DN biết chủ động tìm kiếm khách hàng, thị trường Hàn Quốc là khá hấp dẫn.
Theo TTO