|
Báo cáo mới đây của Liên hợp quốc về hiện trạng và triển vọng kinh tế thế giới, đã đưa ra nhiều thách thức lớn đối với kinh tế toàn cầu, từ đó kêu gọi đẩy nhanh tiến hình phối hợp chính sách kinh tế hiệu quả và tin cậy để thúc đẩy đà phục hồi chung của thế giới.
Theo đó, thách thức đầu tiên là các nước phát triển cần thận trọng thúc đẩy chính sách tài chính khắc khổ khi chưa chín muồi, do phục hồi kinh tế vẫn mong manh và thất nghiệp vẫn cao. Hai là, chính sách tài chính cần được thiết kế lại để tăng cường tác động tạo thêm việc làm và thúc đẩy thay đổi cơ cấu nhằm tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong trung hạn và dài hạn.
Ba là, để hài hoà hơn giữa các kích thích tài chính và tiền tệ, thế giới cần đạt được các thỏa thuận về quy mô, tốc độ và thời điểm nới lỏng các chính sách tài chính trong khuôn khổ các mục tiêu rộng lớn hơn để xử lý mất cân bằng kinh tế thế giới, đồng thời cũng cần thúc đẩy cải tổ mạnh mẽ hơn các quy chế thị trường tài chính và hệ thống dự trữ toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Thách thức thứ 4 là các nước đang phát triển cần đảm bảo đủ các nguồn lực đáp ứng các nhu cầu phát triển lớn và xử lý không gian tài chính còn bị hạn chế. Và điều cuối cùng là tìm các biện pháp để thúc đẩy phối hợp chính sách hiệu quả và tin cậy giữa các nền kinh tế lớn. Đây là nhu cầu khẩn cấp để Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tái cân bằng kinh tế toàn cầu bền vững và hiệu quả hơn.
Theo báo cáo, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi với dự báo tổng sản phẩm thế giới (WGP) tăng 3,3% năm 2011 và 3,6% năm 2012. Tuy nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn mong manh và có thể trở lại suy thoái nếu nợ công và sự mong manh của khu vực tài chính ở các nền kinh tế phát triển không được xử lý thích hợp.
Tờ Financial Times cho hay, các nhà đầu tư châu Á, trong đó có Trung Quốc, có thể mua trái phiếu giải cứu Bồ Đào Nha khi Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) bắt đầu đấu giá vào tháng tới. Klaus Regling, Giám đốc điều hành của EFSF cho biết, Bắc Kinh rất quan tâm đến các cuộc đấu giá trái phiếu giải cứu Bồ Đào Nha và ông hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia mua vào.
Ông cho rằng mối quan tâm ngày càng cao từ các nhà đầu tư châu Á và quốc tế cho thấy niềm tin vào tương lai của đồng tiền chung EUR. Tuy nhiên, ông Regling cũng thừa nhận, động lực chính của các nhà đầu tư châu Á là tìm kiếm một kênh đầu tư mới và an toàn, chứ không phải đồng tình với cách giải quyết khủng hoảng nợ của châu Âu.
Ông Christophe Frankel, Giám đốc tài chính của EFSF khẳng định, Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đấu giá nhằm huy động tiền mặt cho gói giải cứu Ireland vào tháng 4, nhưng lại từ chối tiết lộ quy mô của khoản đầu tư này. Việc Trung Quốc quan tâm đến trái phiếu có mức xếp hạng tín nhiệm AAA do EFSF phát hành cho thấy, Bắc Kinh đang tập trung vào các tài sản có độ an toàn cao hơn là các trái phiếu rủi ro của Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ hôm qua, GDP quý 1 của nước này tăng trưởng 1,8%, đúng như ước tính ban đầu. Tuy nhiên, kết quả này lại thấp hơn nhiều so với mức dự báo 2,1% của các nhà kinh tế và tăng trưởng thực tế 3,1% trong quý 4/2010. Đáng chú ý, chi tiêu tiêu dùng sau điều chỉnh, giảm mạnh từ 2,7% xuống 2,2%, trong khi, hàng tồn kho kinh doanh tăng nhanh hơn.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc hôm 21/5 bất ngờ tăng thêm 10.000 lên 424.000 người, cao hơn so với dự báo của các nhà kinh tế. Số người lần đầu xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đó được điều chỉnh tăng từ 409.000 lên 414.000.
Trong một động thái khác liên quan tới kinh tế Mỹ, hôm 25/5, với tỷ lệ 57 phiếu chống và 40 phiếu thuận, Thượng viện Mỹ đã từ chối mở các phiên tranh luận về kế hoạch ngân sách vốn đã được Hạ viện thông qua hồi tháng trước. Theo đó, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ dự thảo ngân sách năm 2012 do đảng Cộng hòa đề xuất, cắt giảm quá nhiều các khoản chi dành cho những chương trình xã hội lớn của Mỹ.
Kế hoạch ngân sách trên của đảng Cộng hòa kêu gọi giảm thuế đối với các doanh nghiệp và những người giàu nhất ở Mỹ, nhưng quan trọng nhất là kế hoạch này khuyến nghị cắt giảm chi tiêu cho các chương trình chăm sóc y tế cho người cao tuổi và những người nghèo nhất. Cả hai chương trình này vốn rất phổ biến và được lòng người dân Mỹ.
Nhật Bản tiếp tục chứng kiến lạm phát trong tháng 4 do giá năng lượng và lương thực tăng cao, bởi sự gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng sau trận động đất trong tháng 3. Theo thông báo của Cơ quan Thống kê Nhật Bản, CPI tháng 4 tăng 0,3% so với cùng kì. Tuy nhiên, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống của Nhật tăng lần đầu tiên trong vòng 28 tháng, tăng 0,6% so với cùng kì và tăng 0,4% so với tháng 3.
Giá dầu thô tăng, đẩy nhanh lạm phát, khiến nhiều quốc gia châu Á, từ Thái Lan tới Trung Quốc đều tăng lãi suất. Ngược lại, ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, họ thậm chí sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế để hỗ trợ hoạt động tái thiết sau động đất, và chống lại sự suy thoái trong 2 quý liên tiếp vừa qua. Các nhà kinh tế tại Tokyo cho rằng, lạm phát sẽ không dễ dàng làm thay đổi chính sách của BoJ.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao EU cho hay, thông cáo Hội nghị G8 có thể không công nhận Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde là ứng cử viên Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trước đó, ngày 25/5, bà Lagarde đã chính thức tuyên bố làm ứng cử viên vào cương vị này. Nếu trúng cử, bà sẽ là nữ Tổng giám đốc IMF đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của tổ chức này.
Theo VnEconomy
|