Mối liên hệ trái chiều giữa lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá được tái hiện. Khi lãi suất liên ngân hàng hạ, tiền đồng giảm sức hấp dẫn và nhiều ngân hàng thương mại sẽ có nhu cầu mua nắm giữ USD để quản trị rủi ro. Đặc biệt với những ngân hàng đang giữ trạng thái âm với đồng USD.
Sau một thời gian tăng cao kéo dài, lãi suất bình quân liên ngân hàng đối với tiền đồng đã liên tục suy giảm. Lãi suất qua đêm ngày 19.5.2011 chỉ còn ở mức 12,43%, giảm 0,69% so với ngày 13.5.2011. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 12 tháng giảm 1% xuống mức 12,5%. Trong tuần qua, tỷ giá VND/USD cũng thay đổi mạnh. Tính đến ngày 19.5.2011, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 20.700 – 20.850 VND/USD, tăng 50 đồng so với ngày 17.5.2011 và tăng 90 đồng/USD so với ngày 16.5.2011.
Nguyên nhân khiến cho lãi suất liên ngân hàng giảm
Lãi suất liên ngân hàng giảm bắt nguồn chủ yếu từ việc trong tháng 5.2011, ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tiếp mua vào đồng USD, ước khoảng trên 1 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đã đưa ra thị trường thông qua các ngân hàng thương mại (NHTM) một lượng tiền xấp xỉ 21 ngàn tỉ đồng. Trong bối cảnh thanh khoản gặp khó khăn do khó huy động từ khu vực dân cư, lượng tiền bơm ra trực tiếp từ NHNN đã giải toả bớt tình trạng căng thẳng tạm thời về vốn. Các NHTM nhỏ tạm thời không phải tìm đến các ngân hàng lớn để vay trên thị trường liên ngân hàng khiến lãi suất giảm.
Nguyên nhân tiếp theo khiến cho lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm là do việc NHNN nâng mức lãi suất trên thị trường mở. Khi NHNN nâng lãi suất trên thị trường mở, các NHTM lớn sẽ giảm động cơ vay NHNN để sau đó cho các ngân hàng nhỏ vay với lãi suất lớn hơn trên thị trường liên ngân hàng. Điều này khiến cho các NHTM nhỏ có cơ hội vay NHNN được nhiều hơn trên thị trường mở và giảm áp lực phải vay trên thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất liên ngân hàng giảm, lãi suất huy động sẽ như thế nào?
Trước đây, khi lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, các NHTM có vấn đề về thanh khoản không vay nổi để cải thiện thanh khoản. Họ chuyển sang vay trên thị trường 1 (thị trường dân cư và tổ chức) để phục vụ mục đích này chừng nào lãi suất trên nó còn rẻ hơn lãi suất liên ngân hàng. Trong khi việc vay mượn trên thị trường này vốn dĩ là để cho vay. Điều đó dẫn đến chạy đua lãi suất, góp phần làm lãi suất huy động thực tế vượt trần khống chế 14%.
Nay, lãi suất liên ngân hàng giảm, các NHTM tăng vay trên thị trường liên ngân hàng để cải hiện tình hình thanh khoản. Lãi suất huy động sẽ giảm áp lực tăng, sẽ không tăng đột biến mà ở mức cao hơn lạm phát của nền kinh tế và có thể cho vay lại được. |
Nguyên nhân khác bắt nguồn từ việc thực hiện thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Theo thông tư này, các NHTM chỉ được phép sử dụng 80% vốn huy động để cho vay; 20% còn lại dành cho ba mục đích dự trữ, đầu tư trái phiếu chính phủ và cho vay liên ngân hàng. Thời điểm hiện tại, nhu cầu dự trữ tại ngân hàng tương đối ổn định do tính chất mùa vụ. Trong quý 2 và quý 3 nhu cầu rút tiền mặt thường không có những đột biến như quý 1 và quý 4, vốn là các tháng cuối năm âm lịch và dương lịch. Trong khi đó đầu tư trái phiếu chính phủ cũng không hấp dẫn. Lượng phát hành thành công trong nửa đầu tháng 5.2011 chỉ đạt khoảng 655 tỉ VND, tiếp nối xu hướng giảm của tháng 4 (1.051 tỉ), tháng 3 (1.514 tỉ), và tháng 2 (2.708 tỉ). Do đó khoản tiền dành cho nghiệp vụ cho vay liên ngân hàng chiếm cơ cấu lớn trong tỉ lệ 20% vốn huy động. Các NHTM có xu hướng cho vay nhiều hơn là đi vay.
Chu kỳ quản lý dự trữ bắt buộc cũng là một nguyên nhân góp phần vào hiện tượng lãi suất liên ngân hàng giảm. Theo quy định của NHNN thì các NHTM phải duy trì tỉ lệ dữ trự bắt buộc với các khoản huy động bằng VND là 3% ( kỳ hạn dưới 12 tháng) và 1% (kỳ hạn 12 tháng trở lên). Tuy nhiên, thời điểm báo cáo là cuối tháng và con số 3% hay 1% là tính trung bình cho cả tháng. Các NHTM thường tận dụng phần dự trữ bắt buộc này để cho vay trên thị trường liên ngân hàng để tìm kiếm lợi nhuận và có xu hướng vay ngược trở lại vào cuối tháng để tạo ra con số trung bình cả tháng đúng quy định của NHNN. Do đó, thường vào giữa tháng, các NHTM có nguồn khá dồi dào và cho vay ra khiến lãi suất giảm hoặc đi ngang trong giai đoạn này.
Tỷ giá khó tăng mạnh
Hiện tượng tỷ giá quay đầu tăng trở lại trong tuần qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết đó là do sự sụt giảm của lãi suất liên ngân hàng như chúng ta đề cập ở trên. Việc lãi suất tiền đồng đi xuống trong khi lãi suất USD về cơ bản không thay đổi khiến cho các NHTM phải thay đổi trạng thái các đồng tiền đang nắm giữ. Đồng USD vì thế được các NHTM ưu tiên mua vào.
Những số liệu về nhập siêu và lạm phát trong tuần qua cũng kích thích các NHTM mua vào ngoại tệ. Theo thông báo mới nhất từ tổng cục Hải quan Việt Nam thì nhập siêu tháng 4 đạt khoảng 1,493 tỉ USD mức cao nhất trong vòng 16 tháng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5.2011 hiện đang được thị trường kỳ vọng vào khoảng 2% do CPI tháng 5 ở một số tỉnh thành mặc dù giảm tốc nhưng vẫn ở mức cao. Hà Nội là 1,76%, Đồng Nai (2,23%), Long An (2,35%), TP.HCM (2,38%)... Những con số này cho thấy trong trung hạn, nhu cầu về USD sẽ lớn trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Nhiều NHTM Việt Nam tiến hành sớm việc mua ngoại tệ để đáp ứng sự thiếu hụt giữa cung và cầu về ngoại tệ trong những tháng tới.
Mặc dù tỷ giá USD/VND đang có xu hướng tăng trở lại nhưng khó có thể xuất hiện sự tăng nhanh và mạnh như thời điểm cuối năm 2010 và đầu 2011. NHNN vẫn ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu. Lãi suất thị trường mở đã tăng lên 15%. Việc NHNN mua USD trong thời gian vừa qua chủ yếu do người dân và một số doanh nghiệp bán ra. Giải pháp kết hối đối với các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được thực hiện. Nhiều khả năng việc này vẫn sẽ được NHNN theo đuổi trong thời gian tới sau khi đã chi tiết hoá được các quy định. Nếu lãi suất tiền đồng vẫn được giữ ở mức cao trong khi Nhà nước vẫn còn có cơ hội để tăng nguồn cung thì tỷ giá USD/VND sẽ chưa thể bứt phá tăng mạnh được.
Theo SGTT